Doanh nghiệp

VNG lần đầu hé lộ Tencent, Ant Group là cổ đông

VNG vừa thông báo VNG Limited đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC). VNG Limited, cổ đông lớn nhất của VNG, dự kiến chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch VNG.

Hồ sơ này cho biết, VNG Limited nắm 49% cổ phần trực tiếp trong VNG Corporation, được mua lại từ những cổ đông nước ngoài. Tuy nhiên, công ty này đánh giá rằng, dựa trên phần sở hữu và các yếu tố khác như độ phân tán, lịch sử biểu quyết của số cổ phần còn lại tại VNG Corporation, VNG Limited sẽ có quyền kiểm soát về mặt kinh tế với pháp nhân tại Việt Nam ngay trước khi bắt đầu IPO.

VNG Limited đồng thời cũng đã có thỏa thuận và có quyền kiểm soát với Công ty Công nghệ BigV - cổ đông lớn thứ hai tại VNG, sau khi hoàn tất IPO.

Theo hồ sơ gửi SEC, cơ cấu cổ đông dự kiến sau IPO tại công ty kiểm soát VNG có sự xuất hiện một loạt tập đoàn lớn, trong đó có Tencent, Ant Group và GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore.

Cổ phiếu lưu hành của VNG Limited chia làm hai loại, là cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) và cổ phiếu phổ thông loại B (Class B). Trong đó, 1 cổ phiếu loại B tương ứng với 10 quyền biểu quyết, trong khi 1 cổ phiếu loại A chỉ tương ứng với 1 quyền biểu quyết. Hai loại cổ phiếu này được phát hành cho hai nhóm cổ đông riêng biệt là các cổ đông nước ngoài và ban lãnh đạo của VNG.

Hai cổ đông sáng lập của VNG là ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải sở hữu lần lượt 12,6 và 1,68 triệu cổ phiếu loại B, tương ứng với tỷ lệ quyền biểu quyết tại VNG Limited là 45% và 6%. Hồ sơ cho biết, ông Minh và ông Khải được xác định là một nhóm cổ đông, với tổng sở hữu 51% và giữ quyền chi phối VNG Limited.

Trong khi đó, Tencent là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu hơn 65 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng quyền biểu quyết là 23%. Sở hữu của Tencent gồm hơn 43 triệu cổ phiếu của Tenacious Bulldog Holdings Limited, 14,5 triệu cổ phiếu Prosperous Prince Enterprises Limited và hơn 7,5 triệu cổ phiếu sẽ phát hành sau khi hoàn tất IPO.

Tenacious Bulldog và Prosperous Prince Enterprises là hai công ty cùng đăng ký hoạt động tại "thiên đường thuế" British Virgin Islands, từng xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn tại VNG năm 2018. Theo hồ sơ gửi SEC, VNG Limited cho biết cả hai công ty này đều thuộc quyền kiểm soát của Tencent Holdings.

GIC, thông qua Gamvest Pte và Ant Group - từng thuộc sở hữu của Jack Ma, thông qua Ant International Technologies, sở hữu lần lượt 15,2 và 7,77 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng 5,4% và 2,8% quyền biểu quyết tại VNG Limited. Seletar Invesments sở hữu 3,4%.

VNG được thành lập vào năm 2004, tên ban đầu là Công ty cổ phần Trò chơi Vi Na (Vinagame), vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty này hiện đạt hơn 287 tỷ đồng, sau khi vừa hủy hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ.

Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán quốc tế là một trong những kế hoạch mà VNG ấp ủ từ lâu. Năm 2017, VNG đã ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên Nasdaq tại Mỹ. Tuy nhiên hoạt động này sau đó không có tiến triển.

Năm 2021, Bloomberg cho biết VNG đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Nếu giao dịch trên diễn ra, có thể định giá VNG ở mức 2-3 tỷ USD.

Theo Newzoo, một công ty chuyên nghiên cứu thị trường game, VNG hiện là nhà phát hành game dẫn đầu thị trường Việt Nam, đồng thời sở hữu Zalo - ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam với hơn 75 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và một số ứng dụng khác.

Đầu năm 2023, cổ phiếu VNG được đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. VNZ khởi điểm với mức giá tham chiếu 240.000 đồng trong phiên giao dịch đầu tiên vào đầu tháng 1. Sau đó, cổ phiếu này nhanh chóng trở thành mã có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán với chuỗi phiên tăng trần liên tiếp, khớp lệnh chỉ 100 cổ phiếu. Có thời điểm, thị giá cổ phiếu của VNG vượt 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời sau đó khiến VNZ lùi về dưới ngưỡng 1 triệu đồng.

Một tháng gần đây, mã này tăng giá hơn 50%. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch bình quân vẫn chỉ khoảng 2.500 cổ phiếu mỗi phiên.

Nửa đầu năm, VNG đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 50 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của VNG gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán và tài chính, dịch vụ đám mây. Công ty cũng hoạt động tại Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Phillipines, Myanmar, Đài Loan, Indonesia.

Mảng hoạt động mang lại nhiều doanh thu nhất cho VNG là dịch vụ trò chơi trực tuyến, chiếm khoảng 70-80% tổng doanh thu những năm gần đây.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm