Nhận định về động thái hoãn thi hành một số điều khoản tại Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập và Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT đánh giá rằng việc ban hành Thông tư 10 nhằm hoãn thi hành khoản 8, 9, 10 của Điều 8 theo Thông tư 06 là kịp thời nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản (BĐS) nói riêng.
"Việc hoãn thi hành các khoản trên sẽ giúp các doanh nghiệp (đặc biệt là BĐS) dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng hơn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn", ông nhận định.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng điều này còn góp phần cải thiện tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế khi các nhu cầu vay vốn để góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh là rất lớn. Đối với ngành ngân hàng điều này sẽ phần nào tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tuy nhiên các ngân hàng cần kiểm soát rủi ro hiệu quả.
Trước đó, việc Thông tư 06 được kỳ vọng sẽtháo gỡ nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, những điều chỉnh trong Thông tư lại khiến các doanh nghiệp bất động sản lo lắng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng những quy định mới sẽ là “cú đấm bồi” cho chủ đầu tư khi khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng phát triển dự án.
Ngày 17/8, khoảng 2 tuần trước ngày Thông tư 06 chính thức có hiệu lực, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) còn đề xuất thu hồi lại Thông tư 06, đồng thời nghiên cứu, ban hành Nghị định có nội dung bám sát và đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 33.
Tối ngày 23/8, NHNN đã chính thức quyết định hoãn thị hành một số điểm về nhu cầu vay vốn liên quan nhiều đến các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, theo chuyên gia Huỳnh Minh Tuấn, Thông tư 06 cũng có có nhiều điểm mới tích cực, bổ sung nhiều điều so với Thông tư 39 cũ.
Cụ thể, Thông tư 06 bổ sung thêm các điều kiện về khoản vay cho nhu cầu đời sống, những khoản này cũng sẽ phải tuân thủ quy trình và hồ sơ chặt chẽ hơn khi phải bổ sung phương án sử dụng vốn, kế hoạch trả nợ. Điều này nhằm kiểm soát rủi ro đến các khoản vay liên quan đến BĐS.
Thông tư cũng mở rộng điều kiện trong trường hợp vay để trả nợ tại TCTD khác của cá nhân và các khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp, không cần phải "là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh". Thông tư cũng cho phép TCTD và khách hàng được phép thoả thuận đồng tiền trả nợ, không nhất thiết phải là đồng tiền cho vay của khoản vay.
Đáng lưu ý, Thông tư quy định về nguyên tắc cho vay bằng phương tiện điện tử và nhận biết, xác minh thông tin khách hàng bằng phương tiện điện tử. Đây là thông tin tích cực khi đã tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng cho dịch vụ xác minh, cho vay điện tử,... của các ngân hàng.
Và so với Thông tư 39 thì Thông tư 06 có điểm tích cực hơn nhiều khi đã không đưa các quy định không cho vay đối với "Để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba, thanh toán đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện quy định của pháp luật; hoàn tiền vay để mua BĐS/hàng hoá". Đây là một trong những điểm tích cực cho ngân hàng cũng như thị trường BĐS.
Trong báo cáo nhận định về Thông tư 06 đầu tháng 7, Chứng khoán VNDirect cho rằng việc ban hành thông tư sẽ giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vay của các TCTD, hướng dòng vốn đến dự án an toàn, hiệu quả, tuy nhiên sẽ làm tăng trưởng tín dụng chậm lại.
"Chúng tôi cho rằng Thông tư sẽ có thể làm chậm lại tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn tuy nhiên dài hạn sẽ đảm bảo an toàn hơn cho toàn bộ nền kinh tế", chuyên gia VNDirect nhận định.
Cụ thể, Thông tin 06 đề xuất thêm một số quy định đối với các nhu cầu vốn không được cho vay, trong đó đáng chú ý bao gồm: (i) đảo nợ, (ii) để gửi tiền, (iii) thanh toán tiền góp vốn, mua chuyển nhượng phần vốn góp tại các CTCP chưa niêm yết, (iv) thanh toán tiền góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm tra hoạt động cho vay với mục đích đảo nợ, hoặc phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư với hình thức đối tác công tư; tăng cường các quy định đối với việc giải ngân cho vay.
VNDirect cho rằng việc bổ sung thêm các quy định này một mặt sẽ giúp phản ánh chính xác chất lượng tín dụng, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán nhưng mặt khác cũng sẽ làm các quy định cho vay siết chặt hơn, làm chậm tăng trưởng tín dụng.