Chưa đến thời điểm khai giảng năm học mới nhưng khắp các tuyến đường Hà Nội đã tắc cứng vào giờ cao điểm. Điều này khiến nhiều người lo ngại sau dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 khi tất cả học sinh, sinh viên quay lại trường học thì giao thông Thủ đô sẽ lâm cảnh hỗn loạn, không lối thoát. Trong ảnh là tình trạng giao thông tại ngã tư Nguyễn Trãi giao với Nguyễn Xiển và Lương Thế Vinh, trong giờ cao điểm.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội thường xuyên túc trực, làm nhiệm vụ phân luồng giao thông tại khu vực ngã tư. "Đội chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như Đội đèn tín hiệu giao thông, các đơn vị của Sở Giao thông vận tải thường xuyên theo dõi nắm tình hình để có những điều chỉnh phù hợp về chu kỳ đèn, về tổ chức giao thông, đảm bảo phục vụ tốt nhất hoạt động giao thông ở khu vực này. Đội Cảnh sát giao thông số 7 cũng phối hợp lực lượng thanh tra giao thông ở điểm nút phức tạp để kịp thời hướng dẫn phân luồng từ xa, hạn chế tối đa việc ùn tắc có thể xảy ra", Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7 nói.
Anh Hoàng Văn Long (ở Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, gia đình anh mua căn hộ ở Linh Đàm từ năm 2020. Thời điểm đó, anh đi đến chỗ làm ở Dương Đình Nghệ rất tiện, chỉ mất khoảng hơn 20 phút. Tuy nhiên, từ ngày các hàng rào lô cốt xây dựng khu xử lý nước thải Yên Xá được dựng lên trên tuyến đường Nguyễn Xiển, anh Long phải di chuyển 50 phút, có hôm hơn 1 giờ đồng hồ mới có thể đến chỗ làm. “Cứ tưởng được mấy tháng hè, học sinh chưa quay trở lại trường thì đường xá sẽ thông thoáng hơn, song tình trạng không hề thuyên giảm mà có phần ùn tắc nhiều hơn, nhất là những hôm trời mưa", anh Long chia sẻ và cho biết vợ chồng anh đang lên phương án chuyển nhà đến gần chỗ làm, đồng thời tìm trường học cho con gần cơ quan để thoát cảnh tắc đường.
Giao thông trên tuyến đường Trường Chinh hướng đi Láng cũng không khá hơn là bao. Anh Nam - người thường xuyên di chuyển trên tuyến đường này cho biết: "Từ nhà tới cơ quan ngày nào tôi cũng phải dự phòng 30 - 40 phút đi sớm do sợ tắc đường đoạn từ Trường Chinh đi Võ Chí Công. Có những hôm tôi không chủ động được công việc nên đi muộn một chút thì y như rằng phải đứng chôn chân giữa biển người với những luồng giao thông xung đột, không có lối thoát trên tuyến đường Láng. Thời điểm đó chỉ ước bỏ được ô tô giữa đường để chạy ra khỏi điểm tắc, bắt xe ôm Grab đến chỗ làm” , anh Nam bày tỏ.
Hàng nghìn phương tiện ken đặc, nhích từng chút một trong giờ cao điểm sáng.
Dù trời nắng hay mưa, cứ vào giờ cao điểm, trên trục đường Nguyễn Trãi hướng đi Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng đều trong tình trạng tắc cứng.
Gần 19h, song tuyến đường Nguyễn Xiển vẫn kẹt cứng khiến nhiều tài xế đứng chôn chân.