Thời sự

Chuyên gia: Tỷ giá sẽ căng thẳng nếu Fed tăng lãi suất tiếp vào cuộc họp tháng 9

Trái ngược với những căng thẳng xảy ra trong những tháng cuối năm 2022, thị trường ngoại hối trải qua hơn nửa năm bình lặng ngay cả khi Fed đã có 4 lần tăng lãi suất và NHNN liên tiếp hạ lãi suất điều hành.

Tuy nhiên, vào tuần trước, diễn biến tỷ giá USD/VND biến động khá mạnh với xu hướng tăng là chủ yếu. Tỷ giá liên ngân hàng có những thời điểm trong tuần trước vượt 24.000 đồng - mức cao nhất kể từ cuối năm 2022 cho đến nay và kết tuần ở vùng 23.820 đồng. Tương tự, tỷ giá niêm yết và tỷ giá tự do cũng đã vượt mốc 24.000 đồng trước khi hạ nhiệt vào cuối tuần trước.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Tánh, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết diễn biến tỷ giá chưa đến mức báo động, kịch bản căng thẳng như năm 2022 khó xảy ra do NHNN đang ở vị thế thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm, NHNN cũng đã mua hơn 6 tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối. 

Nói về một số yếu tố đóng góp đáng kể vào nguồn cung ngoại tệ, ông Tánh cho biết xu hướng xuất siêu vẫn duy trì do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, nhờ đó Việt Nam vẫn có thặng dư thương mại. Khó khăn của xuất khẩu chưa hẳn qua đi, vẫn phải chờ sự hồi phục từ các nước đối tác tuy nhiên dự báo sẽ hồi phục nhẹ vào quý IV nhờ hiệu ứng thấp cùng kỳ.

Thứ hai, dòng vốn FDI vẫn ổn định từ đầu năm đến nay, nhiều khả năng những tháng cuối năm dòng tiền giải ngân vẫn tăng trưởng tốt. Dòng vốn FDI có dấu hiệu cải thiện khi vốn đăng ký tăng mạnh trong tháng 7 vừa qua, đạt 2,8 tỷ USD, tăng đến 86% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới tăng mạnh 85,3% so với cùng kỳ lên 1,4 tỷ USD trong khi vốn FDI tăng thêm tăng vọt 190,8% lên 1,2 tỷ USD.

7 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện tăng 0,8% so với cùng kỳ lên 11,6 tỷ USD, vốn FDI đăng ký tăng 4,5% so với cùng kỳ lên 16,2 tỷ USD.

Ngoài ra, lượng kiều hối về Việt Nam vào những tháng cuối năm thường tăng cao và dòng vốn FII từ các khoản đầu tư góp vốn cũng giúp nguồn cung ngoại tệ thêm dồi dào. Theo số liệu mới nhất từ NHNN - Chi nhánh TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng kiều hối về TP HCM đạt 4,33 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 65,6% so với cả năm 2022.

Theo ông Tánh, vấn đề tỷ giá sẽ chỉ thực sự căng thẳng nếu Fed tăng lãi suất lần nữa vào cuộc họp tháng 9 tới và USD tiếp tục mạnh lên. Tuy nhiên thị trường đang nghiêng về khả năng Fed giữ nguyên mức lãi suất hiện tại, không có động thái tăng thêm.

 

Giải thích về biến động tỷ giá vào tuần trước, các chuyên gia của SSI Research nhìn nhận việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III và khiến tỷ giá biến động mạnh.

Bên cạnh đó, so với cuối năm 2022, mặc dù VND mất giá 0,8% so với USD, VND lại tăng giá tương đối nhiều so với các đồng tiền thương mại chủ chốt khác như JPY, THB, TWD hay KRW và khiến áp lực lên tiền đồng cũng lớn hơn.

Theo các chuyên gia của Chứng khoán Maybank (MBKE), khi có những biến động trên thị trường ngoại hối, NHNN sẽ sử dụng ba chiến thuật.

Thứ nhất là kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động ngoại hối của các ngân hàng thương mại; hai là thắt chặt hơn một chút tính thanh khoản của tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng và cách thứ ba là bán USD từ dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng Việt Nam.

Theo quan sát của nhóm phân tích, vẫn chưa thấy NHNN sử dụng biện pháp số hai và số ba trong năm nay, trong khi biện pháp thứ nhất, thường được sử dụng đầu tiên khi thị trường ngoại hối bắt đầu có dấu hiệu bất thường. 

MBKE cũng nghiêng về dự báo tiền đồng chỉ mất giá trong khoảng 2-3% so với USD trong 12 tháng tới và sẽ không ảnh hưởng đến quan điểm chính sách hướng đến mục tiêu phục hồi, tăng trưởng kinh tế. "Do cả lạm phát và ngoại hối đề trong tầm kiểm soát, Việt Nam vẫn sẽ duy trì xu hướng nới lỏng tiền tệ, nhiều khả năng có thêm đợt giảm lãi suất nữa vào quý III".  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm