Công nghệ

"Samsung chú ý hơn đến Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu"

Cello Square là nền tảng số hóa logistics nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa từ đầu đến cuối bao gồm: báo giá, đặt phương thức vận chuyển, vận chuyển - hải quan, theo dõi lô hàng, liên lạc và xử lý các vấn đề phát sinh, thanh toán.

Dịch vụ này được thiết kế theo cách doanh nghiệp chỉ cần 1-2 nhân viên là có thể kiểm soát toàn bộ công việc logistics, lấy báo giá ngay lập tức với các tuyến vận chuyển có sẵn, đặt chuyến hàng, theo dõi kiện hàng thời gian thực với độ chính xác cao cũng như quản lý toàn bộ tài liệu tại một nơi duy nhất. Hệ thống bảng dữ liệu phân tích thông tin toàn bộ đơn hàng dựa trên những ứng dụng những công nghệ mới nhất như hệ thống dữ liệu đám mây, dữ liệu lớn... để đưa ra quyết định chính xác cho chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp.

Tại sự kiện ra mắt Cello Square vào ngày 3/3, ông Kim Dongkyun, Trưởng bộ phận Smart Logistics của Samsung SDS khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi sở hữu vị trí địa lý thuận lợi. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam trở thành mục tiêu đầu tư hàng đầu của nhiều công ty nước ngoài, với mong muốn chuyển dịch nhà máy sang các khu vực khác ngoài Trung Quốc.

"Để đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp, nền tảng Cello Square có thể giải quyết các bài toán trong lĩnh vực vận tải", ông Kim Dongkyun phân tích.

Ông Kim Dongkyun chia sẻ về ngành logistics tại sự kiện ra mắt nền tảng Cello Square. Ảnh:

Ông Kim Dongkyun chia sẻ về ngành logistics tại sự kiện ra mắt nền tảng Cello Square. Ảnh: Samsung

Đại diện hãng cũng dẫn chứng về tiềm năng thị trường qua báo cáo Thị trường logistics vận tải toàn cầu 2023-2027 của Global Newswire. Theo đó, hoạt động vận tải, kho bãi đang được thúc đẩy bởi phần mềm logistics, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất và nhu cầu giao hàng thực phẩm, đồ dễ hỏng, vật tư y tế.

Ngoài ra, sự tăng trưởng mạnh mẽ của vận tải đa phương thức cũng là một trong những lý do thúc đẩy thị trường logistics trong vài năm tới. Ngành thương mại điện tử phát triển và nhu cầu ngày càng tăng về IoT (Internet vạn vật) trong các hệ thống logistics vận tải thông minh sẽ dẫn đến nhu cầu lớn trên thị trường.

Ông Kim Dongkyun nhận định ngành logistics đang tồn đọng nhiều vấn đề. Đặc biệt, các công ty kinh doanh toàn cầu gặp khó khăn do không quản lý tốt cung ứng tại nơi sản xuất. Điều này dẫn đến hiệu ứng cái roi da (Bullwhip) - nghĩa là lượng hàng hóa sản xuất ra vượt quá nhu cầu của người tiêu dùng. Khả năng giải quyết các vấn đề tồn đọng như tàu trống, thời gian vận chuyển, chi phí cũng cần được chú trọng hơn.

Với nền tảng logistics số Cello Square, Samsung SDS cho biết họ chú trọng vào các giải pháp vận hành và tối ưu quy trình vận tải, đảm bảo cho các đối tác có thể yên tâm sản xuất. Cello Square được kỳ vọng sẽ làm thay đổi phương thức tiếp vận tại Việt Nam trong thời gian tới, tạo ra một nền tảng giúp doanh nghiệp có thể quản lý việc vận chuyển hàng hóa từ đầu tới cuối như lấy báo giá, ký kết hợp đồng, kiểm tra vị trí kiện hàng thời gian thực, phân tích dữ liệu.

Hiện nay Samsung SDS cung cấp dịch vụ logistics toàn cầu tại 36 quốc gia, 53 trung tâm và 230 địa điểm. Với khoảng 1.900 đối tác logistics quốc tế, hãng xử lý khoảng 410.000 tấn hàng qua đường hàng không và 1.010.000 TEU hàng đường biển.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm