Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group vừa thông báo sẽ tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú vào ngày 8/4 tới.
Tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Mức giá rao bán khởi điểm ngân hàng đưa ra là 14.577 tỷ đồng.
Đây là các khoản nợ phát sinh tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và đã được bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ là Quyền tài sản phát sinh từ toàn bộ lợi ích thu được từ quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc Dự án KCN Phong Phú, tọa lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, .
Liên quan đến KCN Phong Phú, dự án này do CTCP Khu Công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư, có quy mô 134 ha, trong đó có 67 ha đất KCN, 67 ha dành cho khu dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện,…). Dự án nằm mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, liền kề với khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Chủ đầu tư dự án được sở hữu bởi ba cổ đông: CTCP Xây dựng Bình Chánh (BCCI, 70%), CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, 25%) và Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC, 5%).
Năm 2018, Sacombank rao bán đấu giá quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại KCN Phong Phú với giá khởi điểm gần 6.651 tỷ đồng. Tại thời điểm này, phần diện tích 120,2 ha của dự án đã được đền bù, phần còn lại chưa hoàn thành thanh toán đền bù và chưa hoàn thành tái định cư cho 201 hộ dân.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết ngân hàng đang xử lý nợ và cho bán đấu giá tất cả các tài sản mà ngân hàng mắc nợ theo Nghị quyết 42. Việc đấu giá diễn ra công khai, minh bạch, tính từ giá vốn cộng với toàn bộ lãi vay, kể cả lãi phạt.
Số liệu công bố từ ngân hàng cho biết sau gần 5 năm dưới thời ông Dương Công Minh, Sacombank đã xử lý/thu hồi gần 71.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trong đó có 58.171 tỷ đồng thuộc đề án. Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay.
Nợ xấu nội bảng năm 2017 là hơn 9.400 tỷ giảm gần một nửa xuống còn khoảng 5.000 tỷ đồng vào năm 2021, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ mức 1,7% hồi đầu năm xuống 1,47% cuối năm.