Ngày 18/3, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với tất cả tờ trình được thông qua.
Kế hoạch lợi nhuận đi ngang, nâng mức cổ tức lên 50%
Năm 2022, HAH lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 2.387 tỷ đồng, tăng 22% so với kết quả đã kiểm toán năm 2021. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 550 tỷ đồng, tương đương năm ngoái.
Theo HAH, do diễn biến chiến tranh tại Ukraine đang ngày càng leo thang dẫn đến giá dầu trên toàn thế giới bị đẩy lên cao, do đó ban lãnh đạo công ty sẽ thường xuyên xác lập lại việc sử dụng tàu cũng như điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp so với tình hình chung.
Về đầu tư, HAH dự kiến tiếp tục đầu tư mua hai tàu cũ và đầu tư đóng mới tàu container giai đoạn năm 2021-2024 (đóng mới 3 loại 1.800 TEU và 2 loại từ 1.800 - 4.500 TEU).
Tính đến cuối năm ngoái, HAH sở hữu đội tàu container với 8 chiếc, tổng trọng tải gần 11.000 TEU, tăng gấp hơn hai lần so với năm 2019 là thời gian trước đại dịch và trở thành đội tàu container lớn nhất và trẻ nhất của Việt Nam.
Công ty này cho biết sẽ tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cảng, depot ở Vũng tàu, TP HCM để tạo cơ sở hậu cần lâu dài cho công ty tại khu vực phía Nam. Thành lập và hỗ trợ Liên doanh với Zim Lines tham gia thị trường Feeder khu vực.
Về kế hoạch cổ tức, cổ đông đã thông qua nâng mức cổ tức năm 2021 từ 15% lên 50%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 40% bằng cổ phiếu. Đây cũng là mức chia cao nhất từ trước đến nay của công ty sau một năm thắng lớn. Giá cổ phiếu HAH cũng có giai đoạn làm mưa làm gió trên thị trường và tăng gấp hơn 5 lần trong năm 2021 vừa qua.
Cho năm 2022, tỷ lệ cổ tức là 30%, gồm 10% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu.
Ngoài ra, công ty cũng dự kiến tiếp tục thực hiện phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ 3%, tương đương hơn 2 triệu đơn vị với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu (thị giá HAH là 95.800 đồng/cp chốt phiên 18/3). Còn giá trị sổ sách cp HAH tính đến cuối năm ngoái là 31.728 đồng/cp.
Đặc biệt, dựa trên tình hình, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container đường biển, HAH lên kế hoạch hợp tác cùng hãng tàu Zim Integrated Shipping Services Ltd (hãng tàu container đứng thứ 10 thế giới) để thành lập Công ty liên doanh vận tải container Zim-Haian với vốn điều lệ 2 triệu USD.
Dự kiến trước mắt công ty mới sẽ khai thác hai tuyến vận tải container, gồm tuyến Việt Nam - Đông Nam Á bằng hai tàu loại 1.100 TEU, dự kiến đem lại doanh thu khoảng 250 tỷ đồng/năm và lợi nhuận khoảng 50 tỷ đồng/năm.
Tuyến thứ hai là tuyến Việt Nam - Trung Quốc, khai thác bằng ba tàu loại 1.700 TEU, dự kiến đem lại doanh thu khoảng 350 tỷ đồng/năm và lợi nhuận khoảng 70 tỷ đồng/năm.
*Thảo luận:
Câu hỏi: Công ty dự đoán khi nào tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết? Liệu lúc đó tình trạng dư cung có xảy ra không khi khối lượng tàu đóng mới là rất cao?
Khi nào tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng chấm dứt thì chúng tôi không trả lời được. Tuy nhiên theo quan sát và phân tích của các chuyên gia, tình trạng này sẽ không thể chấm dứt ngay trong năm 2022 - 2023 được do căng thẳng giữa Nga - Ukraine.
Hiện số lượng tàu đóng mới tăng nhiều, trong đó năm 2022, theo thống kê lượng tàu đóng mới đưa ra thị trường khoảng 1,2 triệu TEUS, trên tổng lượng tàu hiện nay trên thế giới là 25 triệu TEUS là không ăn thua gì cả.
Các công ty tư vấn khẳng định năng lực vận tải năm 2022 không tăng. Năm 2023 có thể tăng khoảng 10%, năm 2024 được 10% nữa. Vì thế lãnh đạo HAH dự đoán hết năm 2023, đầu 2024 thị trường tàu mới có thể đạt tỷ lệ cân bằng nhất định nào đó.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT HAH cho biết công ty đã bỏ vốn mua tàu với giá 27 triệu USD, ngay sau đó đã cho thuê tàu đó trong vòng 3 năm với giá 40.000 USD/ngày. Như vậy thị trường thuê tàu trên thế giới xác định giá thuê tàu trong 3 năm tới không có gì thay đổi cho nên người ta mới đồng ý ký giá đó. Chính vì thế dù lượng tàu đóng mới tăng rất nhiều trong các năm 2022, 2023, 2024 nhưng tôi nghĩ điểm cân bằng sẽ vào cuối năm 2024, đầu 2025.
Câu hỏi: Tổng chi phí đầu tư mua hai tàu cũ trong năm nay và đóng mới 5 tàu giai đoạn 2022 - 2024 là bao nhiêu? Công ty thu xếp nguồn vốn như thế nào và có nhu cầu tăng vốn không?
Từ đầu năm đến nay, HAH đã mua hai tàu với tổng vốn đầu tư 53 triệu USD. Hợp đồng đóng mới gồm 3 hợp đồng với giá tổng cộng 81 triệu USD.
Từ nay đến năm 2023, chúng tôi chuẩn bị đầu tư 3.100 tỷ đồng. Hiện phía HAH đã làm việc với Ngân hàng Vietcombank và họ đã cam kết cung cấp khoảng 50% nhu cầu đầu tư phát triển mua tàu cũ, đóng tàu mới của công ty.
Giờ HAH đã tính kế hoạch cho năm 2025, tức là sau khi mở các tuyến mới từ 2022, 2023 để thử thị trường, 2024 tăng sản lượng thì 2025 bắt buộc phải có thay đổi về bố trí tàu.
Cụ thể, chúng tôi dự kiến sẽ mua các tàu cũ loại 4.500 TEUS để chạy thẳng từ Trung Quốc đến Ấn Độ. Đây sẽ là những loại tàu kinh tế nhất trong việc khai thác các tuyến trung bình trong châu Á. Kế hoạch đầu tư gồm cả đóng mới các loại tàu để sử dụng lâu dài, song song mua tàu cũ phù hợp nhu cầu sử dụng tức thời.
Câu hỏi: Việc HAH đầu tư tàu mới năm 2022-2024 có phải để dùng cho liên doanh không?
Việc HAH thành lập liên doanh với Zim với hai mục tiêu, thứ nhất là tận dụng toàn bộ network của họ ở khu vực châu Á để có thể phục vụ khách hàng. Thứ hai là để đào tạo cán bộ về lâu dài, vì nếu không học tập kinh nghiệm của họ thì việc chúng ta tiếp tục phát triển với mục tiêu là trở thành hãng vận chuyển nội Á là rất khó, huống gì nói ra thế giới.
Dự kiến trong tháng này hoặc đầu tháng 4 HAH sẽ trình hồ sơ xin thành lập liên doanh. Đến tháng 6 mới có thể thành lập liên doanh. 6 tháng cuối năm nay mới mở tuyến đầu tiên đi Đông Nam Á, nửa đầu năm 2023 mở tuyến đi Trung Quốc.
Câu hỏi: Thuận lợi của công ty liên doanh trong việc khai thác tuyến Việt Nam – Trung Quốc? Dự kiến đội tàu mới sẽ chuyên về vận tải hay cho thuê? Dự án trung tâm logistics trong Cái Mép đang như thế nào?
Về tuyến Việt Nam - Trung Quốc, HAH triển khai trong năm nay. 6 tháng cuối năm và đầu năm 2023 công ty sẽ triển khai thuận lợi hơn do ách tắc ở biên giới khiến nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch, đẩy khối lượng vận chuyển cao lên.
Nếu mở tuyến mới Trung Quốc – Hải Phòng – TP HCM thì lượng xuất nhập khẩu nông sản, dệt may, da giầy… sẽ tăng lên. Ngoài ra, Zim có các tuyến Trung Quốc – Mỹ, do đó chúng ta có thể chuyển hàng bằng vỏ của Zim rồi chuyển tải ở Hồng Kông hoặc Thượng Hải…
Đại diện HAH nói thêm, hợp đồng đóng mới 3 tàu cũng không ăn thua gì so với thị trường lúc này. Các tàu này đến năm 2023 và 2024 mới được bàn giao. Các tàu mới được dùng để thay thế tàu cũ, phục vụ tuyến mới mở nhưng vẫn còn đang thiếu tàu.
Lãnh đạo khẳng định, 3 tàu đóng mới chưa ăn thua gì so với nhu cầu phát triển của HAH. Nếu có cơ hội thì công ty sẽ mua tàu cũ ngay, còn tàu mới tạm thời dừng lại.
Về dự án Cái Mép, hiện đã chuyển được từ hình thức trả tiền thuê đất hằng năm sang trả một lần. Tuy nhiên sản lượng vào Cái Mép mới chỉ đạt 4 triệu TEUS, thấp hơn Hải Phòng cách đây 10 năm. Vì thế chúng ta cần xong thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư đã, còn việc tổ chức đầu tư vào dự án này có thể lùi lại chờ sản lượng tăng lên. Đến năm 2024, 2025 mới triển khai được.
Câu hỏi: Nếu tình trạng dịch gần đây tại Trung Quốc và việc phong tỏa cảng Diêm Điền kéo dài thì có ảnh hưởng các cảng tại Việt Nam không? Tuyến tàu đi Hồng Kông của HAH có bị ảnh hưởng?
Dự kiến vào ngày 20, HAH sẽ kéo dài, mở rộng các tuyến đi Hồng Kông sang cảng Diêm Điền (Trung Quốc). Tuần vừa rồi đã làm xong thủ tục, phía Trung Quốc đã chấp nhận cho tàu cập cảng. Tới hôm nay, tàu đã đầy cả hai chiều, gồm chiều xuất và chiều nhập.
Tuyến tàu đến Diêm Điền chưa có hạn chế gì, miễn là thuyền viên của HAH có test PCR và đảm bảo âm tính. Hy vọng tuyến này sẽ được tiếp tục thực hiện đúng lộ trình.
Với nhu cầu vận tải đang rất cao, công ty dự kiến tăng số chuyến và đưa những tàu lớn hơn vào. Nếu HAH không đáp ứng được, thì có thể gây nên những điều tiếng không đáng có là mở tuyến nhưng không đáp ứng được khách hàng.
Câu hỏi: Hiện giá dầu cao có ảnh hưởng đến việc kinh doanh đội tàu của HAH? Trong hai tháng đầu năm, tình hình kinh doanh có khởi sắc hơn so với cùng kỳ? ESOP có thể giảm tỷ lệ từ 3% xuống 2% vì giá cổ phiếu gần 100.000 đồng/cp?
Đối với HAH, việc tăng giá dầu không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận vì tỷ lệ giá dầu/tổng chi phí đội tàu chỉ khoảng 29 - 30%. Ngoài ra, trong đội tàu 10 chiếc, công ty thường cho thuê 4 - 5 tàu, nên không chịu tác động nhiều bởi giá dầu neo cao.
Với kết quả kinh doanh hai tháng đầu năm nay, ước lợi nhuận quý I đạt khoảng 150 tỷ đồng, bằng 27% kế hoạch cả năm. Nếu tình hình diễn biến bình thường, công ty sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm với mức lợi nhuận 550 - 600 tỷ đồng.
Về ESOP, công ty đã cố gắng làm một lần cho người lao động để tri ân 10 năm hoạt động vừa qua, ngoài ra bộ máy quản trị của công ty gọn nhẹ nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành. Chúng tôi cam kết chỉ phát hành 3% năm nay, hai năm sau chưa có ý định phát hành ESOP.