Chính phủ trung ương Trung Quốc đã thắt chặt giám sát đối với nhiều ngành công nghiệp hàng đầu của đất nước vào năm ngoái, bao gồm bất động sản, công nghệ internet và giáo dụ. Chính những điều này đã khiến các tỷ phú Trung Quốc trải qua năm 2021 đầy khó khăn, theo Fortune.
Theo Danh sách các tỷ phú toàn cầu của Hurun Report, đơn vị chuyên theo dõi sự tài sản ròng của các tỷ phú, có tới 160 tỷ phú Trung Quốc rớt khỏi bảng xếp hạng trong năm 2021, mặc dù nhiều khả năng họ vẫn là những triệu phú.
"Các tỷ phú Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm qua. Trong số 10 tỷ phú "bốc hơi" nhiều tài sản ròng nhất trong năm 2021, có tới 9 người đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, có tới 160 tỷ phú Trung Quốc rớt khỏi bảng xếp hạng do Hurun công bố", người sáng lập Hurun và trưởng nhóm nghiên cứu Rupert Hoogewerf cho biết.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý rằng các nền tảng thương mại điện tử, bất động sản, giáo dục, bán lẻ dược phẩm và thuốc lá điện tử là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hurun đã không công bố chi tiết về 160 tỷ phú bị rớt khỏi danh sách của họ trong năm qua.
Năm ngoái, việc chính quyền Bắc Kinh hạn chế cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản sử dụng đòn bẩy quá cao đã làm lung lay nền tảng của ngành và khiến các tập đoàn lớn nhất, chẳng hạn như China Evergrande, rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Những đợt thắt chặt quy định đối với hoạt động dữ liệu của các gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba và Pinduoduo cũng khiến giá cổ phiếu các công ty công nghệ lao dốc nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh cũng về cơ bản cũng đang xóa sổ ngành giáo dục tư nhân bằng cách cấm dạy thêm, qua đó khiến các đơn vị giáo dục tư nhân lâm vào cảnh khốn khó.
Sự giàu có của giới tỷ phú vẫn chịu áp lực khi số ca nhiễm COVID-19 tăng lên nhiều nhất kể từ khi bùng phát ở Vũ Hán hai năm trước. Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và Mỹ gây áp lực hủy niêm yết đối với chứng khoán Trung Quốc, khắc phục rủi ro địa chính trị cũng là những nguyên nhân khiến giới tài phiệt tại thị trường tỷ dân gặp khó.
Colin Huang, người sáng lập Pinduoduo, là tỷ phú mất nhiều tiền nhất trong năm 2021, khi khối tài sản ròng của vị giám đốc điều hành này giảm mạnh từ 69 tỷ USD xuống còn 19 tỷ USD. Các nhà đầu tư đã đánh giá cổ phiếu của Pinduoduo giảm 30% trong năm ngoái, sau khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt hoạt động của các công ty Big Tech cũng như sau vụ bê bối liên quan đến cái chết đột ngột của hai công nhân Pinduoduo.
Kate Wang, người sáng lập và là chủ tịch của thương hiệu thuốc lá điện tử Relx vẫn duy trì vị trí của mình trong bảng xếp hạng tỷ phú ngay cả khi giá trị khối tài sản ròng của cô giảm tới 91% vào năm ngoái sau quyết định của Bắc Kinh khi đưa thuốc lạ điện tử vào tầm ngắm của độc quyền thuốc lá do nhà nước điều hành. Theo Hurun, khối tài sản của Kate Wang hiện đang ở mức 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, dù mất đi 160 tỷ phú, Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhiều nhà tài phiệt nhất trên thế giới, theo bảng xếp hạn của Hurun. Quốc gia này có thêm 75 tỷ phú mới trong năm ngoái, đạt tổng cộng 1.133 nhà tài phiệt, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và chiếm tới 34% trong tổng số nhà tài phiệt trên toàn cầu (3.381 người).
Ngoài ra, các thành phố Trung Quốc cũng chiếm ba vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng những nơi có nhiều tỷ phú nhất thế giới. Theo đó, thành phố Thâm Quyến, thủ phủ công nghệ Trung Quốc đã soán ngôi New York, Mỹ để trở thành nơi được yêu thích thứ ba thế giới của giới siêu giàu.
Theo Hurun, Bắc Kinh dẫn đầu danh sách với 144 tỷ phú "nổi tiếng" đang cư trú. Trong khi đó, Thượng Hải đứng thứ hai với 121 người, Thâm Quyến xếp thứ ba với 113 người. Thành phố New York, Mỹ hiện là nơi sinh sống của 110 tỷ phú.