Ông Hồ Nhân là một nhà khoa học sinh năm 1966, lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại Mỹ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nanogen.
Tốt nghiệp ngành y sinh tại Mỹ và theo đuổi đam mê nghiên cứu lĩnh vực dược bằng công nghệ sinh học, năm 2005, tiến sĩ Hồ Nhân về nước lập công ty và đến năm 2007 xây nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM với tổng đầu tư 40 triệu USD. Đến nay, công ty đã có 3 nhà máy chuyên sản xuất thuốc đặc trị viêm gan B và C, ung thư vú, đại trực tràng, ung thư máu...
Tại thời điểm ban đầu, Nanogen có 3 cổ đông sáng lập. Ông Hồ Nhân sở hữu 70% cổ phần công ty. Vợ ông Nhân là bà Nguyễn Thị Hồng Vân nắm giữ 25% vốn điều lệ Nanogen. Cổ đông còn lại sở hữu 5% vốn là ông Hồ Vũ Thanh.
Ông Hồ Nhân cho biết các loại thuốc sinh học đặc trị của công ty hiện đã được mở rộng thêm các sản phẩm điều trị bệnh thiếu máu, tăng bạch cầu để hỗ trợ bệnh nhân khi hóa trị, xạ trị, ghép tủy.
Sau đó, khi các cổ đông nước ngoài bắt đầu tham gia góp vốn vào Nanogen, tỷ lệ cổ phần của ông Hồ Nhân và bà Hồng Vân bắt đầu pha loãng, lần lượt giảm còn 67,5% và 22,5%. Còn ông Thanh thoái hết vốn tại công ty dược phẩm này.
Theo báo cáo tài chính của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, doanh nghiệp này đã chi ra gần 11,6 tỷ đồng cho 162.500 cổ phần của Nanogen, tương đương mức định giá hơn 71.000 đồng cho mỗi cổ phần. Căn cứ theo mức giá này, định giá của Nanogen khoảng 5.100 tỷ đồng, cao hơn các doanh nghiệp dược phẩm lớn trên sàn chứng khoán như Imexpharm hay Traphaco.
Về kết quả kinh doanh, năm 2019, Nanogen đạt doanh thu cao nhất 191 tỷ đồng, tăng 17% so với 3 năm trước đó. Tuy nhiên, năm 2019 Nanogen báo lỗ tới 26 tỷ đồng sau 3 năm liên tiếp kinh doanh có lãi.
Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của Nanogen đạt 1.369 tỷ đồng, tăng đến 38% so với hồi đầu năm. Nanogen hoạt động dựa chủ yếu trên vốn tự có, vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2019 là 1.102 tỷ đồng, bao gồm 715 tỷ đồng vốn góp.
Theo tờ Diễn đàn Doanh nghiệp, ngoài Nanogen, vợ chồng ông Hồ Nhân và và bà Hồng Vân (con gái bà Nguyễn Thị Sơn) còn là những thành viên của gia tộc sở hữu Sơn Kim, một tập đoàn kinh doanh đa ngành từ bất động sản, bán lẻ đến thời trang.
Những viên gạch đầu tiên của Sơn Kim bắt đầu từ giữa những năm 1950 khi doanh nghiệp tư nhân Đại Thành ra đời do ông ngoại của bà Hồng Vân điều hành. Sau đó, vào thập niên 90, bà Nguyễn Thị Sơn, mẹ bà Hồng Vân, làm Tổng giám đốc Legamex, một trong những công ty dệt may xuất khẩu quy mô lớn tại Việt Nam thời điểm đó.
Đến năm 1993, con trai của bà Sơn là ông Nguyễn Hoàng Tuấn sáng lập Sơn Kim. Công ty của gia đình bà Sơn bắt đầu phát triển các thương hiệu nội y, đồ ngủ, đồ mặc ở nhà bằng cách bắt tay liên doanh, nhận nhượng quyền thương hiệu với các đối tác Nhật Bản, Mỹ.
Song song với mảng thời trang, Sơn Kim cũng bắt đầu phát triển lĩnh vực bất động sản từ cuối những năm 90. Chính bà Nguyễn Thị Sơn là người đi đầu trong việc liên doanh với đối tác Hong Kong để xây dựng khu căn hộ cao cấp cho thuê đầu tiên tại TP.HCM vào năm 1996. Hiện danh mục dự án của Sơn Kim có đủ 3 phân khúc bất động sản nhà ở, văn phòng, nghỉ dưỡng.
Năm 2017, Sơn Kim bước vào cuộc đua trên thị trường bán lẻ khi liên kết với Tập đoàn GS của Hàn Quốc, mở chuỗi cửa hàng tiện lợi GS Retail ở Việt Nam. Trước đó vào năm 2012, tập đoàn này cũng bắt tay đối tác Hàn Quốc để triển khai VGS Shop - một kênh mua sắm trên truyền hình.
Hiện tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Sơn Kim có vốn điều lệ 637 tỷ đồng, do ông Nguyễn Hoàng Tuấn nắm giữ 99,7% cổ phần. Đây là công ty mẹ nắm giữ phần vốn góp ở các công ty con trong hệ sinh thái của Sơn Kim trong các lĩnh vực thời trang, bất động sản, bán lẻ.
5 người con của gia đình bà chủ Sơn Kim hiện theo đuổi những sự nghiệp khác nhau. Con cả Hồng Vân cùng chồng điều hành Nanogen. Ông Hoàng Tuấn là Chủ tịch Sơn Kim Group, Sơn Kim Land, Sơn Kim Mode. Ông Hoàng Anh, con trai thứ sáng lập công ty sản xuất trà, cà phê Golden Mountain. Người con thứ tư là bà Hồng Trang làm thành viên HĐQT Sơn Kim Mode. Con trai út Hoàng Lâm sáng lập thương hiệu thiết kế nội thất Duy Quân.
Ngoài ra, bà Hồng Vân cùng mẹ, em trai và một số thành viên khác trong gia đình còn góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Nam Á (SEADI). Công ty này là chủ sở hữu trường THPT Duy Tân tại TP.HCM.