Bỏ ngỏ quy hoạch
Hoạt động karaoke thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện, hợp pháp được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, chịu sự quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, phòng cháy chữa cháy , quy hoạch đô thị... Nhiều địa phương như Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Thuận... đều lập được quy hoạch cho loại hình này. Hà Nội-một trong những đô thị có cả nghìn cơ sở kinh doanh karaoke- lại bỏ ngỏ nhiệm vụ.
“Hà Nội từng triển khai quy hoạch karaoke. Trước đây lãnh đạo UBND TP. Hà Nội từng giao Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội lập và trình quy hoạch karaoke. Tuy nhiên khi Sở VHTT Hà Nội đang thực hiện, Luật Quy hoạch được ban hành (2017) không cho phép có thêm các quy hoạch chuyên ngành nên sở phải dừng lại.
Tuy vậy, thành phố sau đó đều có các văn bản chỉ đạo quản lý nhà nước các hoạt động kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường”, ông Trương Minh Tiến (nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội), Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội nêu.
Sống gần karaoke, dân bất an
Phóng viên Tiền Phong thử khảo sát ý kiến người dân sống kề cận một số cơ sở kinh doanh karaoke ở Hà Nội.
"Tôi không đồng tình với việc quán karaoke xây dựng trong khu dân cư. Dù có các phương pháp cách âm thì khách của quán đến đông và muộn nên vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Phòng karaoke thường rất nhỏ và bí, lại không có cầu thang thoát hiểm, nếu không may xảy ra cháy, nổ thì rất nguy hiểm. Một số quán karaoke chỉ đặt bình chữa cháy để tượng trưng thôi, không có vòi phun nước hay đường nước phục vụ chữa cháy. Tôi mong chính quyền địa phương, lực lượng chức năng phải quan tâm, kiểm tra gắt gao hơn nữa về vấn đề này", chị Nguyễn Mỹ Linh (quận Hoàn Kiếm) nêu.
GIA LINH
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, sau khi Luật Quy hoạch ra đời, các tỉnh không có căn cứ để xây dựng quy hoạch như trước đây nữa, thay vào đó trực tiếp chỉ đạo phương án xác định số lượng cơ sở kinh doanh theo đề xuất của địa phương phù hợp với thực tiễn.
Chẳng hạn, UBND tỉnh Khánh Hòa từng ra quyết định phê duyệt Quy hoạch karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020 trong đó nêu rõ các trục đường hạn chế, không khuyến khích kinh doanh karaoke.
Quy hoạch tổng thể của Bắc Giang cũng đưa ra điều kiện cấp phép, số lượng cơ sở ở từng địa bàn phù hợp với định hướng của tỉnh.
Karaoke từng được đưa vào quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ý tưởng này bị gạt đi tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP. Hà Nội Khóa XIV. Nhiều đại biểu còn tranh cãi xem nên coi kinh doanh karaoke thuộc lĩnh vực kinh tế hay văn hóa, thế rồi quyết định để nó phát triển theo nhu cầu thực tế.
Vụ cháy khiến 13 người thiệt mạng năm 2016 càng khiến Hà Nội “rón rén” hơn, thậm chí tạm dừng cấp phép kinh doanh karaoke. Quyết định này đẩy nhiều cơ sở tới tình thế phải hoạt động “chui”, khiến công tác quản lý nhà nước càng thêm khó.
Cần quy định rõ ràng
Nhu cầu của người dân và khách du lịch đối với dịch vụ karaoke là rất lớn. Thành phố Hà Nội phân cấp quản lý cho quận/huyện. Ông Trương Minh Tiến nhận định, nhìn lại các vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội vài năm gần đây rõ ràng nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự bất cẩn của con người, đều do việc sửa chữa gây ra hậu quả đáng tiếc.
“Rõ ràng có lẽ tới đây, chúng ta phải tính tới sửa đổi lại các quy định quản lý karaoke, đặc biệt là quy định liên quan tới sửa chữa địa điểm kinh doanh karaoke buộc phải có sự giám sát của cơ quan phòng cháy chữa cháy”, ông Tiến đề xuất.
TS. KTS Quy hoạch đô thị ĐH Paris Pantheon Nguyễn Việt Huy phân tích: Về lý thuyết, karaoke là công trình dịch vụ vui chơi giải trí, là một phần nằm trong các công trình công cộng phục vụ đô thị. Do vậy nó phải đảm bảo các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy, quy chuẩn về an toàn sinh mạng và sức khỏe, tiêu chuẩn thiết kế công trình công cộng.
Ngoài ra đối với dự án gây ô nhiễm (ô nhiễm tiếng ồn) phải có báo cáo về giải pháp đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, nhiều cơ sở kinh doanh không hội đủ các điều kiện kể trên, đáng ngại nhất là quy định về phòng cháy chữa cháy.
Nhiều người nhìn karaoke ở khía cạnh tiêu cực (tiêu thụ rượu không rõ nguồn gốc, ô nhiễm tiếng ồn...). Tuy nhiên, từ trải nghiệm thực tế ở nhiều khu kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí ở trong và ngoài nước, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO cty AZA Travel cho rằng phải nhìn karaoke là loại hình giải trí phổ biến ở Việt Nam và châu Á.
Karaoke du nhập vào Việt Nam từ hơn 30 năm trước, ngày càng phát triển nhưng Hà Nội còn loay hoay ứng xử với nó. Nhìn sang một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, karaoke nằm trong các khu vui chơi giải trí riêng biệt. Cả dãy phố san sát quán bar, karaoke, disco, ăn uống...hoạt động tới gần sáng.
“Hoạt động karaoke vẫn tồn tại, là nhu cầu chính đáng và là thành phần cần thiết của kinh tế đêm. Hà Nội nên tham khảo các bài học quy hoạch thay vì buông lỏng để xảy ra những hậu quả đáng tiếc”, ông Nguyễn Tiến Đạt nêu.
Xử lý trách nhiệm chính quyền nếu xảy ra cháy nổ
Trong công văn vừa ban hành về việc xử lý vụ cháy xảy ra tại phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) khiến 3 cán bộ chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá đây là vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND Hà Nội chỉ đạo UBND thành phố và cơ quan, đơn vị phối hợp với Công an TP, quận Cầu Giấy, khẩn trương tiến hành các công việc để khắc phục hậu quả vụ cháy, sớm ổn định tình hình và chỉ đạo thực hiện công tác phòng ngừa chung.
Quận ủy Cầu Giấy được yêu cầu chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm khắc phục hậu quả, tổ chức kiểm điểm và có biện pháp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh karaoke, các loại hình kinh doanh khác cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ. Đặc biệt là những hoạt động kinh doanh kết hợp nhà ở và các kho xưởng không phép nằm rải rác ở khắp các quận, huyện.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN), Công an thành phố Hà Nội có kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh dạng nhà xưởng, kho bãi về điều kiện PCCC. Việc xử phạt được thực hiện thường xuyên, bên cạnh đó cũng đã đình chỉ nhiều cơ sở không khắc phục được các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC. Thế nhưng, sau khi bị xử phạt, đình chỉ, có nhà xưởng vẫn hoạt động "chui" khiến cho công tác PCCC không triệt để. Đơn cử như vụ cháy ngày 4/6, tại khu nhà xưởng tại số 84 phố Phú Viên (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội). Đây là kho chứa thực phẩm nằm trong khu đất của Công ty Cổ phần Cơ khí và lắp máy điện nước.
Công ty cổ phần Cơ khí và lắp máy điện nước nằm trong danh sách các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC. Công an quận Long Biên đã ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với cơ sở trên vào tháng 7/2021.
Việc cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động "chui" là do thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương, nơi gần nhất, quản lý sâu sát nhất hoạt động của các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN, Công an thành phố Hà Nội cho biết, vai trò của địa phương trong đảm bảo PCCC tại các cơ sở nhà kho, xưởng, chung cư cũ là rất quan trọng. Đặc biệt, sau khi Nghị định 136/2020 của Chính phủ có hiệu lực (từ đầu năm 2021) đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
Sau vụ cháy quán karaoke xảy ra trên địa bàn quận Cầu Giấy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng vừa ký ban hành Công văn về việc tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.
HIỂU MINH