Giao thông "lột xác", không còn khoảng cách TPHCM - vùng vệ tinh
Thời gian vừa qua, với những chính sách đột phá từ Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nhiều công trình hạ tầng quan trọng tại thành phố đã được đẩy nhanh triển khai.
Trong đó, dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu (Thủ Đức, TPHCM) đến cầu Vĩnh Bình (Thuận An) có chiều dài khoảng 6,3km, được đầu tư mở rộng đến 60m với tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng là một trong những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của TPHCM triển khai trong năm 2025. Dự án có khoảng 2,3km đường trên cao (cầu cạn) với quy mô 4 làn xe và đường song hành hai bên (60km/h) giúp tách biệt dòng xe, hạn chế xung đột với các đường băng ngang.
Công tác khởi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 như kế hoạch đã được TPHCM chuẩn bị ngay từ đầu năm, dự kiến khởi công xây dựng từ quý III/2026, hoàn thành vào 2027 - 2028.

Phương án xây đường trên cao Quốc lộ 13 (Ảnh: Sở Giao thông Công chánh TPHCM).
Nhằm kết nối đồng bộ với dự án mở rộng Quốc lộ 13, Sở Giao thông vận tải TPHCM cũng đã đề xuất nâng cấp và mở rộng hai tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh thành đường trên cao với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Khi tuyến đường Quốc lộ 13 được nâng cấp từ 6 lên 10 làn xe, kết hợp với đường trên cao, giao thông giữa trung tâm và khu Đông Bắc TPHCM sẽ thông suốt hơn, giúp giảm ùn tắc và rút ngắn thời gian di chuyển.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc TPHCM mở rộng Quốc lộ 13, khu vực Đông Bắc TPHCM, trong vòng bán kính 5km với lợi thế kề sát bên sẽ trực tiếp hưởng lợi. Cụ thể, từ lõi trung tâm Đông Bắc đến ngã tư Hàng Xanh chỉ trong 15 phút, tạo ưu thế rõ rệt về khả năng kết nối, giúp thu hút dân cư và doanh nghiệp bởi xu hướng mới, không quan trọng đi bao xa mà là di chuyển mất bao lâu.
Giá trị bất động sản tăng, cơ hội cho nhà đầu tư
Đón đầu sức bật của hạ tầng, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư lớn đã đổ về trung tâm Đông Bắc TPHCM để tập trung phát triển các dự án bất động sản, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp. Khu vực này cũng đang trở thành trung tâm phát triển sôi động với hàng loạt công trình thương mại, tài chính và dịch vụ quốc tế sẵn có như: AEON Mall Bình Dương Canary, LOTTE Mart, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc,…

Dọc Quốc lộ 13 đoạn qua trung tâm Đông Bắc TPHCM hội tụ loạt thương hiệu dịch vụ quốc tế (Ảnh: Giang Sơn).
Thông tin sáp nhập tỉnh thành cũng tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư. Động thái tìm kiếm bất động sản giáp ranh TPHCM đã rục rịch từ đầu năm 2025, trung tâm Đông Bắc TPHCM là một trong những cái tên được nhắc đến trong các cuộc thảo luận và thống kê tìm kiếm.
Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, thông tin sáp nhập như một chất "xúc tác" bên cạnh kiềng 3 chân "vững chắc" từ kinh tế, hạ tầng và khả năng kéo dân đô thị. Bởi thực tế nhìn từ thị trường Bình Dương nói chung, khu Đông Bắc TPHCM nói riêng trong cả chục năm qua, nếu không đủ độ vững về hạ tầng, tiện ích, phát triển kinh tế khu vực, khả năng kéo dân, cơ hội việc làm... thì có lẽ nơi đây đã không được nhắc nhiều đến thế trong bức tranh bất động sản phía Nam.
Với những thông tin tích cực, kết hợp "điểm nóng" Quốc lộ 13 đang được khẩn trương triển khai, dự báo bất động sản sẽ tăng trong thời gian tới. Những dự án mặt tiền - nơi có tiềm năng khai thác kinh doanh cao nhờ vào dòng xe và lượng người lưu thông lớn sẽ có lợi thế đón đầu làn sóng phát triển thương mại - dịch vụ, tạo ra giá trị khai thác bền vững cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, giá bất động sản một số nơi tại khu Đông Bắc TPHCM hiện vẫn ở mức cạnh tranh, biên độ tăng giá còn nhiều. Tuy nhiên, khi hạ tầng hoàn chỉnh, sự chênh lệch này sẽ dần được thu hẹp, mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho những ai muốn đón đầu xu hướng tăng giá, nhất là các dự án sẽ bàn giao đúng thời điểm hạ tầng hoàn thiện giai đoạn 2027-2028.