Ba quốc gia vùng Vịnh lại tranh thủ “lấy lòng” ông Trump
Ba quốc gia vùng Vịnh – Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar – đang tận dụng mối quan hệ cá nhân thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump để thúc đẩy những lợi ích chiến lược lâu dài. Họ đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ, đồng thời thể hiện vai trò trung gian trong các xung đột nóng bỏng như Gaza, Ukraine và Iran – những vấn đề mà ông Trump mong muốn giải quyết.
Việc được chọn làm điểm đến cho chuyến công du đầu tiên của ông Trump trong nhiệm kỳ hai cho thấy tầm quan trọng của ba nước này trong chính sách đối ngoại mang tính giao dịch của ông. Các nhà phân tích nhận định rằng, trong mắt ông Trump, họ là “đối tác lý tưởng” vì sẵn sàng chi tiêu lớn cho vũ khí Mỹ và đầu tư mạnh vào nền kinh tế Hoa Kỳ.
Sau thời kỳ không mặn mà với chính quyền Biden, các nước vùng Vịnh đang tận dụng sự trở lại của ông Trump để “chốt đơn” cho các thỏa thuận quan trọng, từ quốc phòng đến hạt nhân và công nghệ cao. Họ nhìn thấy trong ông Trump một cơ hội hiếm có để định hình quan hệ lâu dài với siêu cường số một thế giới.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu với báo chí tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, Washington, DC, vào ngày 3 tháng 2.
Saudi Arabia kỳ vọng gì từ Mỹ?
Mối quan tâm hàng đầu của Saudi Arabia là an ninh. Quốc gia này muốn có sự cam kết rõ ràng hơn từ Mỹ trong việc bảo vệ sự ổn định của khu vực, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn ở Trung Đông ngày càng gia tăng. Một thỏa thuận quốc phòng toàn diện giữa Mỹ và Saudi từng tiến gần đến hồi kết nhưng bị đình trệ do bất đồng về lập trường đối với nhà nước Palestine.
Ngoài vấn đề an ninh, Riyadh còn muốn Mỹ hợp tác trong chương trình hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, yêu cầu của Saudi Arabia về việc tự làm giàu uranium – yếu tố then chốt để sản xuất vũ khí hạt nhân – đang gây lo ngại cho cả Mỹ và Israel. Nếu đạt được thỏa thuận, các công ty Mỹ có thể giành được những hợp đồng béo bở trong lĩnh vực này.
Ông Trump từng tuyên bố sẽ đến Saudi nếu nước này đầu tư 1.000 tỷ USD vào Mỹ. Dù chưa xác nhận con số này, Riyadh đã công bố kế hoạch tăng đầu tư và thương mại với Mỹ lên 600 tỷ USD trong bốn năm tới.
Tuy vậy, tham vọng chuyển đổi nền kinh tế của Saudi Arabia ra khỏi dầu mỏ vẫn phụ thuộc vào việc bán dầu với giá cao. Ông Trump, ngược lại, mong muốn giá dầu thấp để kích cầu kinh tế Mỹ, tạo nên thế đối lập giữa hai bên về lợi ích chiến lược.
UAE muốn trở thành cường quốc AI
Khác với Saudi Arabia, UAE tập trung nhiều hơn vào công nghệ và đầu tư. Với khẩu hiệu “thủ đô của vốn đầu tư”, UAE đã tuyên bố sẽ chi 1.400 tỷ USD trong 10 năm tới vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, sản xuất và năng lượng.
Hiện UAE đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ USD vào Mỹ. Nước này coi đây là cách để làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược với Washington, đồng thời giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Tham vọng của Abu Dhabi là trở thành cường quốc AI hàng đầu thế giới vào năm 2031 – điều khó có thể đạt được nếu thiếu chip công nghệ cao từ Mỹ.
Tuy nhiên, chính quyền Biden trước đây đã siết chặt xuất khẩu AI nhằm ngăn công nghệ rơi vào tay các đối thủ như Trung Quốc – trong đó có ảnh hưởng đến UAE. Do đó, ông Trump được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ các rào cản này trong chuyến thăm tới.
Và quả thật, chính phủ Mỹ đã tuyên bố ông Trump sẽ bãi bỏ một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu do chính quyền tiền nhiệm ban hành. Đây được xem là bước tiến lớn đối với tham vọng công nghệ của UAE.
Qatar tận dụng vai trò “nhà hòa giải”
Qatar là quốc gia có quan hệ quốc phòng chính thức nhất với Mỹ trong khu vực, với căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông nằm tại đây. Gần đây, hai nước đã âm thầm gia hạn hiện diện quân sự thêm 10 năm và điều chỉnh hiệp định hợp tác quốc phòng từ năm 1992.
Năm 2022, Mỹ còn công nhận Qatar là “đồng minh ngoài NATO”, một danh hiệu cho thấy quan hệ chiến lược bền chặt. Ngoài ra, Qatar đang tích cực đóng vai trò trung gian trong các cuộc xung đột tại Gaza, Afghanistan và mới đây là Syria. Điều này không chỉ giúp Doha duy trì tầm ảnh hưởng mà còn khiến nước này trở thành đối tác không thể thiếu trong chiến lược của ông Trump.
Qatar cũng đang nỗ lực vận động Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Syria, đặc biệt là Đạo luật Caesar – điều kiện tiên quyết để nước này viện trợ tài chính cho Damascus. Đây có thể là một chủ đề lớn trong chuyến thăm của ông Trump tới Doha.
Về tổng thể, cả ba quốc gia vùng Vịnh đều xem chuyến thăm của ông Trump là cơ hội để đạt được các thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên – vừa phục vụ lợi ích kinh tế Mỹ, vừa giúp họ củng cố vị thế chiến lược trong khu vực.