Sáng 10.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quảng cáo.
Theo đề xuất, ngoài những quy định chung, người nổi tiếng khi quảng cáo phải có nghĩa vụ xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm; nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về sản phẩm thì không được giới thiệu về sản phẩm đó.
Đồng thời, họ phải thông báo trước đến người tiếp nhận quảng cáo về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo.

Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn Thái Bình
ẢNH: GIA HÂN
Phải bồi thường nếu quảng cáo gian dối
Ủng hộ việc siết quy định với người nổi tiếng khi quảng cáo, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, nói đây là nhóm đối tượng có sức ảnh hưởng rộng. Lời nói, thông tin họ đưa ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Có thông tin đưa ra không đúng, nhưng vì độ nổi tiếng, người theo dõi vẫn tin và mua, rất nguy hiểm.
Ông Hòa cho rằng các quy định về nghĩa vụ sẽ buộc người nổi tiếng có trách nhiệm hơn khi nhận lời quảng cáo sản phẩm cho các tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, ông đề nghị nghiên cứu tăng mức xử phạt đối với người nổi tiếng nếu có các hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật.
Đại biểu Trần Khánh Thu, đoàn Thái Bình, thì đề nghị xây dựng cơ chế cụ thể hơn để các quy định về nghĩa vụ của người nổi tiếng khi quảng cáo trở nên khả thi.
Bà Thu dẫn chứng các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện cho thấy, các công ty này đều có giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm, nhưng thực tế sản phẩm lại là hàng giả. Trong trường hợp này, nếu yêu cầu người quảng cáo, nhất là ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, KOL… phải kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm thì liệu có khả thi?
Tương tự, với yêu cầu thông báo trước về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo sẽ thực hiện như thế nào? "Phải chăng là viết lên Facebook, đăng lên TikTok, YouTube nói tôi chuẩn bị sẽ quảng cáo, mời bà con chuẩn bị theo dõi…", bà Thu đặt vấn đề và đề nghị sửa đổi, bổ sung sao cho khả thi hơn.
Đáng chú ý, nữ đại biểu đề nghị quy định rõ hơn trong luật về cơ chế bồi thường khi quảng cáo sai đối với người chuyển tải quảng cáo, nhất là người nổi tiếng. "Có thể bổ sung thêm nghĩa vụ của họ, phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình...", bà gợi ý.

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai, phát biểu tại nghị trường
ẢNH: GIA HÂN
Không thể quảng cáo chỉ vì "hình ảnh người ta đẹp"
Dẫn quy định tại luật Bảo vệ người tiêu dùng và Nghị định 55/2024, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai, nói người có ảnh hưởng bao gồm chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý…
Trong đó, người được chú ý có thể thông qua các hình thức như thi hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên, thậm chí là những người tạo scandal trên mạng để gây sự chú ý... Có những người vì muốn tăng khối lượng người theo dõi trên trang cá nhân mà tìm mọi cách để dư luận xã hội quan tâm.
"Chỗ này chưa xử lý được", ông An nhận định và đề nghị phải siết quy định đối với người có ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo.
Vậy siết như thế nào? Ông An đề xuất giải pháp đó là chỉ những người có trình độ chuyên môn mới nên quảng cáo, thay vì "một hoa hậu, diễn viên chẳng biết gì về sản phẩm nhưng quảng cáo vì hình ảnh người ta đẹp, nhưng người ta bảo không nắm được chất lượng, rất là khó".
Ở góc nhìn khác, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn Lạng Sơn, đề nghị có quy định cụ thể để xác định người nào là "người có ảnh hưởng", ví dụ dựa theo số lượng người theo dõi hoặc tương tác… Điều này sẽ giúp tránh tùy tiện khi áp dụng luật.
Đồng thời, để người truyền tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người nổi tiếng, có thể thực hiện nghĩa vụ của mình, bà Thái đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ họ, nếu họ có văn bản, trong việc xác minh các thông tin về người quảng cáo hoặc sản phẩm quảng cáo.
"Dự thảo yêu cầu người ảnh hưởng phải xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo, nhưng mọi thông tin đều do người quảng cáo cung cấp, vậy làm thế nào để xác minh?", bà Thái đặt vấn đề.