Doanh nghiệp

Khoản đầu tư 5 năm của công ty bà Nguyễn Thanh Phượng ra sao?

Tóm tắt:
  • Sữa Quốc Tế Lof đặt mục tiêu lợi nhuận 2025 giảm 50-59%, nợ vay tài chính tăng mạnh so với năm trước.
  • Vietcap báo cáo quý đầu năm lợi nhuận tăng 49% nhờ lãi bán tài sản tài chính và cho vay giao dịch ký quỹ.
  • Vietcap tăng đầu tư cổ phiếu niêm yết, lợi nhuận tạm tính từ cổ phiếu IDP là cao nhất gần 1.442 tỷ đồng.
  • Sữa Quốc Tế Lof hoạt động hơn 20 năm, có ba nhà máy và phát triển thị trường Campuchia bảy năm qua.
  • Năm 2024, doanh thu Sữa Quốc Tế Lof tăng nhưng lợi nhuận giảm do chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh.

Lãi lớn quý đầu năm nhờ tự doanh và cho vay

Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán: VCI) do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm.

Theo báo cáo này, công ty đạt doanh thu gần 851 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu chủ yếu đến từ lãi bán các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và lãi từ các khoản cho vay, phải thu. Các hoạt động này đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm 18%, còn 149 tỷ đồng.

Sau đi trừ đi các loại chi phí, Vietcap đạt lợi nhuận sau thuế gần 295 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp giải trình quý đầu năm, thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, chỉ số VN-Index có lúc đạt 1.342,91 điểm, tăng mạnh so với cuối năm trước (1.266,78 điểm).

Do đó, trong kỳ, công ty hiện thực hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư nên lãi ròng bán các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) của hoạt động tự doanh tăng mạnh và hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ cũng tăng 43%.

Theo thuyết minh, tài sản tài chính ngắn hạn FVTPL vào cuối quý I đạt giá trị hơn 1.242 tỷ đồng (theo giá mua), tăng 392 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng. Công ty giảm đầu tư vào trái phiếu chưa niêm yết và tăng mua cổ phiếu niêm yết (từ 201 tỷ đồng lên 872 tỷ đồng).

Đối với chứng khoán sẵn sàng để bán, tổng quy mô danh mục giảm từ 8.400 tỷ đồng về còn 7.500 tỷ đồng. Một số cổ phiếu nổi bật trong danh mục của Vietcap đang tạm lãi lớn như KDH (Nhà Khang Điền), IDP (Sữa Quốc Tế Lof), MBB (MBBank) hay STB (Sacombank). Đặc biệt, xét theo chênh lệch giữa giá mua và giá thị trường, Vietcap tạm lời gần 1.442 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu IDP - khoản đầu tư tạm lãi cao nhất ở thời điểm này.

Khoản đầu tư 5 năm của công ty bà Nguyễn Thanh Phượng ra sao? - 1

Các khoản đầu tư tài chính của Vietcap (Đơn vị: đồng. Nguồn: Báo cáo tài chính quý I).

Sữa Quốc Tế Lof: Kế hoạch lợi nhuận giảm, nợ vay tăng

Vietcap đầu tư vào cổ phiếu IDP từ năm 2020 với giá trị gần 441 tỷ đồng, không thay đổi so với hiện tại.

Theo giới thiệu từ doanh nghiệp, Công ty Sữa Quốc Tế ra đời năm 2004, bắt đầu bằng việc xây dựng và vận hành nhà máy tại Chương Mỹ (Hà Nội). Một năm sau, công ty này ra mắt thương hiệu sữa Ba Vì.

Đến năm 2013-2014, doanh nghiệp sữa khánh thành nhà máy tại Củ Chi (TPHCM) và ra đời thương hiệu sữa Kun.

Sau đó, doanh nghiệp ra mắt một số thương hiệu sữa khác dành cho tuổi teen (thanh thiếu niên) và đổi tên thành Sữa Quốc Tế Lof vào năm 2024.

Sau hơn 20 năm, Công ty Sữa Quốc tế Lof có 2 chi nhánh văn phòng tại TPHCM, Hà Nội; 3 nhà máy tại Ba Vì (Hà Nội), Củ Chi (TPHCM) và Bàu Bàng (Bình Dương). Doanh nghiệp cũng có 7 năm phát triển tại thị trường Campuchia.

Năm Vietcap vào đầu tư (2020), ông Tô Hải - Tổng giám đốc Vietcap - cũng trở thành Chủ tịch HĐQT Sữa Quốc Tế. Sau đó, vợ ông Hải là bà Trương Nguyễn Thiên Kim cũng làm Thành viên HĐQT của công ty sữa này. Đến nay, vợ chồng ông Tô Hải vẫn đảm nhận các vị trí trên.

Trong 5 năm (2020-2024), lợi nhuận mỗi năm của Sữa Quốc Tế Lof đều đạt vài trăm tỷ đồng, thấp nhất là 502 tỷ đồng vào năm 2020 - năm đầu tiên Vietcap rót vốn. Sau đó, lợi nhuận tăng mạnh 64% lên 823 tỷ đồng vào năm 2021.

Từ đây, doanh nghiệp luôn duy trì lợi nhuận trên 800 tỷ đồng mỗi năm, cá biệt năm 2023 vượt lên 924 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2024, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 5%, còn 875 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận năm 2024 giảm trong khi doanh thu tăng 15% là chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng mạnh. Trong đó, chi phí bán hàng tăng 30%, lên hơn 1.884 tỷ đồng, chủ yếu tăng ở chi phí tiếp thị. Loại chi phí này hầu hết đều cao ở các doanh nghiệp sữa, trong bối cảnh ngành kinh doanh cạnh tranh khốc liệt nhằm giành thị phần, tăng nhận diện thương hiệu.

Trong khi lợi nhuận giảm thì nợ vay của doanh nghiệp lại tăng. Tại ngày 31/12/2024, Sữa Quốc Tế Lof có 1.446 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn, tăng 95% so với đầu năm. Công ty có nợ vay tài chính dài hạn hơn 667 tỷ đồng, gấp 18,5 lần. Tổng nợ vay tài chính 2.113 tỷ đồng, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0,6 lần.

Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng 10% đến 14%, đạt khoảng 8.400-8.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm khoảng 50-59% so với năm trước, còn 360 đến 440 tỷ đồng. Mức này nếu hoàn thành sẽ là con số thấp nhất doanh nghiệp đạt được từ năm 2020 trở lại đây.

Các tin khác

TP.HCM lấy ý kiến người dân về sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID

Công an TP.HCM vừa có văn bản đề nghị các sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM tổ chức lấy ý kiến người dân, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn phụ trách về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng VNeID.

Giáo viên hợp đồng có phải là viên chức?

Để đảm bảo chất lượng dạy học và số lượng giáo viên đứng lớp, nhiều trường học buộc phải tuyển dụng thêm giáo viên hợp đồng, đối tượng này có phải viên chức?

Bé trai 5 tuổi suýt mất mạng vì nghịch dây rút quần

Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận và cấp cứu thành công một trường hợp tai nạn hi hữu khi bé trai 5 tuổi tại Thường Tín (Hà Nội) đã suýt tử vong do “tự thắt cổ” bằng dây rút quần trong lúc đang chơi cùng anh trai trong phòng riêng.