Thành ủy TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn khung tiêu chuẩn tạm thời và định hướng bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý khi sắp xếp bộ máy các phường, xã trên địa bàn (gọi chung là phường).
Tại kỳ họp chuyên đề ngày 18.4, HĐND TP.HCM đã tán thành chủ trương sáp nhập từ 273 phường, xã, thị trấn còn 102 phường, xã và thống nhất tên gọi mới.
Theo hướng dẫn của Thành ủy TP.HCM, người đứng đầu gồm bí thư phường, chủ tịch UBND phường mới không là người địa phương. Cán bộ quản lý cấp huyện sẽ được bố trí làm nòng cốt tại phường mới.
Với ủy viên ban chấp hành đảng bộ phường, ưu tiên ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp huyện, quan tâm đến người còn thời gian công tác 2 nhiệm kỳ (ít nhất từ 96 tháng); cấp phó các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện, trưởng phòng, ban cấp huyện, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, bí thư đảng ủy cấp xã hiện nay...
Thành ủy TP.HCM cũng lưu ý cơ cấu bí thư khu phố, ấp (tối thiểu phải có trình độ lý luận chính trị sơ cấp; ưu tiên người dưới 60 tuổi, có bằng tốt nghiệp đại học, bằng trung cấp lý luận chính trị trở lên) tham gia ban chấp hành đảng bộ phường, xã mới.

Một góc phường Bến Nghé, dự kiến sáp nhập và đổi tên thành phường Sài Gòn, địa bàn trọng điểm về kinh tế của TP.HCM
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Với ủy viên ban thường vụ đảng ủy phường, ưu tiên ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương, quan tâm người còn thời gian công tác 2 nhiệm kỳ; ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp huyện và tương đương; cấp phó các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện; trưởng phòng, ban cấp huyện; trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, bí thư đảng ủy cấp xã hiện nay...
Với các chức danh lãnh đạo cụ thể, bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND phường ưu tiên theo thứ tự: bí thư cấp huyện giữ chức vụ bí thư phường trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Riêng địa bàn có quy mô dân số, tổ chức đảng và đảng viên lớn, có vai trò là động lực phát triển kinh tế có thể phân công ủy viên ban thường vụ thành ủy hoặc ủy viên ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM.
Tiếp đó, các chức vụ ưu tiên làm bí thư phường gồm: phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện; cấp phó các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Thành ủy TP.HCM; cấp trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành thành phố và tương đương; các nguyên bí thư, phó bí thư chuyên trách các đảng bộ trực thuộc Thành ủy TP.HCM (trước khi sắp xếp).
TP.HCM cũng ưu tiên cấp phó các tổ chức chính trị -xã hội, sở, ban, ngành được quy hoạch cấp trưởng về làm bí thư phường.

Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm (phường An Khánh sau sáp nhập), nơi sẽ trở thành Trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Phó bí thư thường trực đảng ủy và chủ tịch UBND phường bố trí theo nguyên tắc ưu tiên phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện; ủy viên ban thường vụ cấp huyện; phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện (quan tâm đến người còn thời gian công tác 2 nhiệm kỳ); cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành và tương đương; nguyên phó bí thư các đảng bộ trực thuộc Thành ủy TP.HCM; trưởng phòng các cơ quan chuyên trách cấp thành phố...
Chức danh phó chủ tịch phường bố trí ưu tiên ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện; ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp huyện; trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; trưởng phòng, ban cấp huyện; bí thư đảng ủy xã; trưởng phòng, phó phòng các cơ quan chuyên trách cấp thành phố được quy hoạch chức danh cao hơn...
Bên cạnh đó, Thành ủy TP.HCM cũng hướng dẫn về tiêu chuẩn đối với các chức danh chánh văn phòng, trưởng ban xây dựng đảng, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy, chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, trưởng các cơ quan chuyên môn, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.