Bất động sản

Phát động thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, Thủ tướng đồng ý 2 kiến nghị của Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 13 điểm cầu có đoạn tuyến cao tốc hoàn thành trong năm 2025 và có mỏ nguyên vật liệu cung cấp cho các dự án, gồm Tuyên Quang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ Tướng Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc và đến 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000 km.

Triển khai Nghị quyết của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy đầu tư các dự án hạ tầng giao thông đạt kết quả quan trọng và nổi bật, đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km; các dự án đang thi công với trên 1.700 km, chuẩn bị khởi công khoảng 1.400 km; các dự án trải dài qua khắp 48 tỉnh thành trên cả nước.

Thay mặt Chính phủ và Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương phát động Đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc" thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển đường cao tốc và với tinh thần "Tất cả vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, vì sự phát triển hùng cường của đất nước".

Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp ủy đảng quyết liệt chỉ đạo sát sao; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; chính quyền phải hành động quyết liệt, đồng thời vận động người dân và doanh nghiệp trong cả nước đồng tình, ủng hộ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương phải thực sự vào cuộc coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ đã được giao; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả". Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm hiệp lực "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm".

Bộ Giao thông vận tải với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, phát huy hơn nữa tính chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ để đôn đốc các nhiệm vụ được giao, kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thu xếp nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA bảo đảm khẩn trương, kịp thời, đáp ứng tiến độ các dự án. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thu xếp vốn cho chủ đầu tư tham gia các dự án PPP, đáp ứng tiến độ đề ra.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phải làm tốt việc bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng, đất, đá cát sỏi... phục vụ thi công công trình; bảo đảm công tác vệ sinh, môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về chuyển đổi đất lúa, đất rừng, bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về quy chuẩn, tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng và nghiệm thu công trình, dự án kịp thời, đúng tiến độ.

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm tốt công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như đường điện cao thế, cáp ngầm trong phạm vi dự án.

Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống thông thầu, mua bán thầu. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội và hỗ trợ các việc trong phạm vi nếu các chủ đầu tư, nhà thầu yêu cầu. Bộ Nội vụ đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án hạ tầng giao thông đang triển khai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền vận động, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, trong đó chú trọng việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; phối hợp với các nhà thầu thi công làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, tạo sự phấn khởi, gắn bó "đi dân nhớ, ở dân thương". Địa phương có nguồn vật liệu phải tích cực hỗ trợ cho địa phương khó khăn hơn, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công: cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công khoa học, liên tục, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "đã ra quân là chiến thắng", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm", đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển mới của dự án sau khi hoàn thành; phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan.

Các nhà thầu chính phải tạo điều kiện, hợp tác, hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhà thầu địa phương trưởng thành, lớn mạnh qua việc tham gia dự án; các nhà thầu phụ, các nhà thầu địa phương cần tích cực tham gia, huy động nhân lực, vật lực để hỗ trợ các nhà thầu chính khi có yêu cầu; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển...

Thủ tướng yêu cầu ngay sau Lễ phát động, các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công, các cơ quan, đơn vị bắt tay ngay xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các tiêu chí thi đua phù hợp, tập trung vào những nhiệm vụ khó, nhiệm vụ trọng tâm và xác định rõ việc hoàn thành các công trình đường cao tốc là nhiệm vụ chính trị hàng đầu giai đoạn từ nay đến Đại hội XIV; nêu cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với tập thể, vì danh dự của cá nhân, của cơ quan, đơn vị; vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân về một hệ thống đường bộ cao tốc đồng bộ, hiện đại.

Với thế và lực đã tích luỹ được sau gần 40 năm đổi mới; sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng chúng ta sẽ đạt và vượt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân…

Thủ tướng đồng ý 2 kiến nghị của Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải

Tại lễ phát động thi đua, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải, thay mặt các nhà thầu có 2 ý kiến đề xuất với Thủ tướng.

Thứ nhất, đề nghị các địa phương tạo điều kiện bàn giao mặt bằng và mỏ vật liệu sớm cho các nhà thầu triển khai thi công.

Thứ hai, tại dự án Sơn Hải thi công, Thủ tướng đã cho sử dụng công nghệ mới làm dải phân cách cứng rút ngắn tiến độ, giá thành không thay đổi, nhưng an toàn hơn, đẹp hơn tốt hơn. Tuy nhiên, hiện còn 2 dự án là Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chưa được cho phép thông qua.

"Tỉnh đã có văn bản xin cho thi công nghệ mới, thay vì thiết kế 85 cm trên lưới chống chói, thì làm 1,27 cm đúc trực tiếp. Tất cả việc thay đổi này sẽ tốt hơn, thi công nhanh hơn, giá thành không thay đổi trong mọi điều kiện. Nhà thầu mong muốn sớm được sử dụng để tăng tốc dự án", ông Hải khẳng định.

Trả lời kiến nghị của nhà thầu, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: "Hai đề xuất của Sơn Hải, cơ bản tôi đồng ý, Chính phủ đề nghị các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn mặt bằng, về mỏ vật liệu, giá cả nguyên vật liệu, việc của bộ nào thì bộ đó, địa phương đó phải làm, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ".

"Việc này đã được thực tiễn chứng minh là đúng, là có hiệu thì cứ thế mà làm thôi. Còn cần giải quyết thủ tục gì thì tôi giao cho Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp giải quyết".

Phó thủ tướng kiểm tra, cho làm ngay, không có chậm trễ nữa vì cái việc đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng, là hiệu quả đa số đồng tình có gì mà không dám quyết, có gì mà không dám làm", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

"Tôi đề nghị các địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, xử lý ngay không để ách tắc các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, đã được chính phủ đề xuất các cơ chế đặc biệt là giao trực tiếp cho các nhà thầu. Việc thứ 2, Tập đoàn Sơn Hải đề nghị cải tiến một số kĩ thuật qua thực tiễn công việc, thì phải làm ngay", Thủ tướng nhắc lại.

Được biết, Tập đoàn Sơn Hải đang thực hiện 12 dự án cao tốc. Chủ tịch Nguyễn Viết Hải cam kết vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng một số dự án; cam kết đưa dự án thành phần 3 dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hoàn thành năm 2025, trước 1 năm so với tiến độ trong hợp đồng.

Trong 90km kế hoạch hoàn thành năm 2026 đang được nỗ lực thi đua hoàn thành năm 2025 của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, có 50km do nhà thầu Sơn Hải thi công.

Đại diện nhà thầu khẳng định việc Thủ tướng phát động thi đua tại Buôn Ma Thuột hết sức có ý nghĩa, bởi trước đây, Buôn Ma Thuột là địa danh gắn liền với dấu mốc mở màn chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt thực hiện thành công chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến tới giải phóng miền Nam. Với khí thế ấy, tinh thần ấy, Tập đoàn Sơn Hải hoàn toàn tin tưởng cao điểm thi đua hoàn thành mục tiêu 3.000km sẽ thành công.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm