Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM sẽ có cuộc khảo sát, thăm dò dư luận xã hội trên mạng Internet đối với cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố, nhằm đánh giá sự quan tâm của người dân và các ý kiến đề xuất liên quan đến dự thảo bảng giá đất dự kiến áp dụng tại TP HCM.
Thời gian thực hiện khảo sát diễn ra từ ngày 19/8 đến ngày 23/8. Trong đó, một số vấn đề được khảo sát như "Bảng giá đất điều chỉnh dự kiến áp dụng có phù hợp với khu vực sinh sống không? Lo ngại gì nếu bảng giá đất điều chỉnh chính thức được TP áp dụng? Để người dân đồng thuận với việc điều chỉnh giá đất tại Thành phố, cơ quan chức năng cần thực hiện những việc gì?..."
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đang xây dựng dự thảo bảng giá điều chỉnh mới để phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8. Theo đó, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình 5 - 10 lần, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh tăng 15 - 50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K điều chỉnh giá đất 3,5 lần).
Cụ thể, giá đất mới tại quận 1 dự kiến cao gấp 5 lần; quận 3 gấp 4 - 9 lần; quận 4gấp 11 lần; quận 5 và quận 7gấp 6 lần; quận 6 gấp 5 - 11 lần; quận 8 gấp 4 - 18 lần; quận 10 gấp 5 - 6 lần; quận 11 gấp 4 - 9 lần; quận 12 gấp 3 - 33 lần; quận Bình Thạnh gấp 5 - 13 lần; quận Gò Vấp gấp 7 - 11 lần; quận Phú Nhuận gấp 7 - 8 lần; quận Tân Bình gấp 7 - 12 lần; quận Tân Phú gấp 7 - 17 lần; quận Bình Tân gấp 9 - 17 lần; TP Thủ Đức gấp 6 - 35 lần; huyện Hóc Môn gấp 5 - 51 lần; huyện Củ Chi gấp 9 - 31 lần; huyện Bình Chánh gấp 2 - 36 lần; huyện Nhà Bè gấp 7 - 23 lần; huyện Cần Giờ gấp 8 - 23 lần.
Ba tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) sẽ có giá đất cao nhất 810 triệu đồng/2, gấp 5 lần so với giá đất cũ 162 triệu đồng/m2.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP, thực tế bảng giá đất điều chỉnh dự kiến lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần và mới chỉ tương ứng bằng 70% mặt bằng giá thị trường.
Tại Chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” diễn ra sáng 18/8, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất rất phức tạp, tác động rất nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn Thành phố. Vì vậy, Thành phố làm rất thận trọng. Hiện nay đã hết thời gian lấy ý kiến của công dân nhưng Thành phố đang tổ chức các hội nghị để lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến. Sau đó, Hội đồng thẩm định bảng giá đất sẽ độc lập thẩm định, thẩm định xong sẽ thực hiện các bước tiếp theo.
Về đối tượng tác động, theo quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ có 12 đối tượng chịu tác động của bảng giá đất. Chủ yếu bảng giá đất sẽ tác động đến việc nộp thuế, nộp nghĩa vụ tài chính, nộp phí lệ phí và nộp phạt do vi phạm hành chính.
Vị này cũng nói thêm, theo quy định của Luật Đất đai mới, trường hợp nộp hồ sơ mà cấp tỉnh đã quyết định điều chỉnh giá đất, các chi phí được tính theo bảng giá đã điều chỉnh. Tuy nhiên, Thành phố chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh, do đó, các sở, ngành đã báo cáo với UBND TPHCM để trình lên Thủ tướng, xin hướng dẫn cụ thể.