Chứng khoán

Nhìn lại chứng khoán Việt Nam 2022: Liên tiếp bất ngờ, khó đoán định

Trong quý đầu năm VN-Index giao dịch trong khoảng 1.400 – 1.500 điểm, tiếp nối diễn biến cuối năm 2021. Đà tăng của thị trường thu hút dòng tiền lớn đổ vào với mức đỉnh thanh khoản 2 tỷ USD, giới phân tích và nhà đầu tư nghĩ đến những đỉnh cao mới của chỉ số.

Khi tiền nhiều, VN-Index được dự báo hướng tới các mốc 1.600, 1.800 thậm chí là 2.500 điểm. Nhưng từ đầu quý II, sóng gió bắt đầu đến. Từ ngưỡng 1.500 điểm, chỉ số lao dốc nhanh. Đỉnh điểm phiên giao dịch ngày 25/4 ghi nhận mức giảm kỷ lục lên đến 68,31 điểm.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vướng lao lý với cáo buộc thao túng giá cổ phiếu, nổi bật là vụ án ông Trịnh Văn Quyết và dàn lãnh đạo Tập đoàn FLC liên qua 6 mã chứng khoán (FLC, ROS, GAB, ART, AMD, HAI). Sau đó là vụ nhóm ông Đỗ Thành Nhân và lãnh đạo Chứng khoán Trí Việt (Mã: TVB) về tội thao túng giá cổ phiếu nhóm Louis.

Hai vụ án tác động đến tâm lý của nhà đầu tư bởi đây đều là những mã có thanh khoản lớn trên thị trường. Trước đó, trong tháng 1, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần ASA (Mã: ASA), ông Nguyễn Văn Nam bị bắt giam với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tăng khống vốn khi phát hành cổ phần.

Sau ba vụ án trên, thị trường chứng khoán Việt Nam lại phải đối mặt với những tin đồn liên quan đến những lãnh đạo cấp cao, các tập đoàn kinh tế lớn. Một cá nhân bị phạt tù khi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, ngoài ra còn có nhiều người bị phạt hành chính.

Tâm lý nhà đầu tư yếu dần, tin đồn tràn lan, cộng hưởng với làn sóng bán giải chấp tài khoản nhà đầu tư khiến VN-Index lần lượt rời khỏi các mốc 1.400, 1.300, 1.200 điểm. Sau hơn 20 năm vận hành thị trường, một lần nữa chỉ số lại trở về vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm mà trước đó không ai nghĩ đến.

Sang đến quý III, tâm lý dần ổn định trở lại, VN-Index hồi phục lên vùng 1.300 điểm thắp lên hi vọng cho thị trường.

 Diễn biến VN-Index kể từ đầu năm 2022. Nguồn: TradingView.

Nhưng một lần nữa sóng gió lại đến đầu tháng 9 với cú sốc từ thương vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ tại công ty An Đông (nhóm Vạn Thịnh Phát), trước đó là Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Sự ảnh hưởng dần lan rộng khi xuất hiện thêm những doanh nghiệp công bố mất thanh khoản tạm thời đến hạn thanh toán trái phiếu.

Khi thị trường khát vốn, làn sóng bán giải chấp cổ phiếu lần thứ hai xảy ra. Không phải những nhà đầu tư cá nhân như lần trước, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc bị bán giải chấp cổ phiếu như tại Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland, mã: NVL), Hải Phát (Mã: HPX), Phát Đạt (Mã: PDR), LDG.

Các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu khi những lãnh đạo cầm cố cổ phiếu để phát hành trái phiếu hay vay margin. Hệ quả là, những mã chứng khoán giảm sàn hàng chục phiên giao dịch liên tiếp. Cho đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu IBC của Apax Holdings chưa ngừng chuỗi giảm sàn.

Tâm lý nhà đầu tư ngày càng trở nên tiêu cực hơn khi thị trường tiếp tục đón nhận thêm những thông tin vĩ mô không mấy sáng cửa trong và ngoài nước. Điểm nhấn vĩ mô quốc tế năm nay là cuộc chiến Nga – Ukraine dẫn đến giá dầu thô, cước vận tải, hàng hóa tăng phi mã, chuỗi sản xuất toàn bị đứt gãy, làn sóng tăng lãi suất của các nền kinh tế lớn để kiềm chế lạm phát.

Còn trong nước, chu kỳ tiền rẻ chấm dứt khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành, nhóm xuất khẩu yếu đi khi đơn hàng quốc tế sụt giảm…

Kết quả, VN-Index liên tiếp tạo đáy mới. Cuối tháng 10, chỉ số bắt đầu thủng ngưỡng 1.000 điểm giao dịch dưới ngưỡng này trong phần lớn tháng 11. Tính đến ngày 28/12, VN-Index mất khoảng 32,21% so với thời điểm đầu năm. Chỉ số của sàn HNX rơi vào trạng thái tồi hệ hơn khi mất đến 56,5%. Mức giảm của chứng khoán Việt Nam được đưa ra xếp hạng với thị trường Nga, nơi đang làm tâm điểm của cuộc chiến.

Điểm số giảm sâu, thanh khoản thị trường cũng tụt áp. Nhiều tháng nay mức thanh khoản tỷ USD trở nên xa lạ trở về quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Những con số dường như hầu hết chuyên gia, giới phân tích không nghĩ đến thời điểm đầu năm.

Trong báo cáo mới nhất, khi nói về chứng khoán Việt Nam năm 2022, J.P. Morgan thừa nhận đã quá lạc quan khi đánh giá thấp tác động của rủi ro chính sách, lạm phát cao và mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng thanh khoản.

Với giới chuyên môn, nhà phân tích, thị trường liên tiếp chứng kiến bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những bất định khiến các kịch bản đưa ra phải cập nhật liên tục. Vậy với những nhà đầu tư mới, những người trẻ, thị trường chứng khoán năm 2022 ra sao trong mắt họ?

Trong chuỗi bài viết tới, chúng tôi sẽ mang đến những góc nhìn, cảm nhận từ chuyên gia trẻ, nhà đầu tư F0, quỹ đầu tư mới gia nhập về năm qua và sự kỳ vọng trong năm 2023 tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm