Doanh nghiệp

Nhiều công ty pin mặt trời Trung Quốc tại Việt Nam bất ngờ dừng sản xuất

Các nhà máy dừng hoạt động

Công ty Longi Green Energy Technology của Trung Quốc cho biết hôm 8/6 rằng họ đã tạm dừng sản xuất tại một nhà máy pin ở Việt Nam, trong khi Trinasolar cho biết hôm 7/6 rằng các cơ sở ở Thái Lan và Việt Nam sẽ "bắt đầu giai đoạn bảo trì".

Theo SCMP, đây là dấu hiệu cho thấy những bất ổn đối với tương lai của các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Các công ty chủ yếu lo ngại về việc ở lại hay rời đi giữa lúc Mỹ có động thái chặn tình trạng né thuế quan.

Các công ty tạm dừng sản xuất dưới danh nghĩa "nâng cấp cơ sở vật chất" hoặc "bảo trì", hoặc cho công nhân nghỉ phép sau khi Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin quang điện silicon tinh thể từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Mỹ đã thực hiện động thái này sau khi các công ty năng lượng mặt trời trong nước cáo buộc rằng Trung Quốc đang cố gắng lách thuế bằng cách chuyển sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á.

Các nhà phân tích cho biết các cuộc điều tra thể hiện rõ những thách thức mà các nhà sản xuất Trung Quốc phải đối mặt và tầm quan trọng của việc tìm kiếm thị trường thay thế vì Liên minh châu Âu EU hoặc các nước phương Tây khác có thể làm theo.

Terence Chong Tai-leung, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Hồng Kông, cho biết: "Nếu Trung Quốc không có thị trường Mỹ, họ nên nắm bắt nhu cầu ở Trung Đông hoặc các nước đang phát triển lớn khác".

Theo báo cáo từ công ty luật quốc tế Kilpatrick, lệnh miễn thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp 200% do Mỹ ban hành vào năm 2022 đối với một số pin và mô-đun năng lượng mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã hết hạn vào ngày 7/6. Các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc – hiện lắp ráp các sản phẩm năng lượng mặt trời và pin ở bốn quốc gia nói trên để xuất khẩu sang Mỹ - cho biết họ đang điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất để đối phó với nguy cơ ngừng sản xuất hàng loạt.

Longi, một trong những công ty năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc đang điều hành các nhà máy ở Malaysia và Việt Nam, cho biết hồi đầu tuần rằng việc điều chỉnh sản xuất là do kế hoạch nâng cấp nhà máy mà không nêu rõ việc điều chỉnh này có bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động hay không.

Động thái của Mỹ

Công ty Trina Solar có trụ sở tại Giang Tô cũng cho biết các nhà máy ở Thái Lan và Việt Nam đã ngừng hoạt động để "bảo trì định kỳ".

Trong một thông báo với tờ SCMP, công ty cho biết các sản phẩm từ nhà máy được cung cấp cho thị trường Mỹ và công ty không lạ gì với những thay đổi chính sách và biến động của thị trường.

Công ty cho biết: "Đây không phải là lần đầu tiên và chúng tôi sẽ điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp".

Hơn 20 công ty quang điện của Trung Quốc có cơ sở sản xuất trên khắp Đông Nam Á vì khu vực này thu hút các nhà đầu tư do chi phí sản xuất rẻ, gần Trung Quốc và được miễn thuế quan của Mỹ.

"Mỹ rõ ràng quyết tâm củng cố chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp năng lượng mặt trời trong nước, vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta nên đóng cửa các nhà máy ở Đông Nam Á hay giữ chúng ở đó để dự phòng", Li Zhenguo - người sáng lập công ty Longi - cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo chí.

Một số nhà sản xuất Trung Quốc, bao gồm cả Trina Solar, đang tăng tốc xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ.

Công ty Jinko Solar có trụ sở tại Thượng Hải đã xây dựng các nhà máy ở Mỹ với tổng sản lượng 2 gigawatt và đang xin trợ cấp của chính phủ Mỹ sau khi chính quyền Biden tuyên bố sẽ phân phối hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm năng lượng mặt trời được sản xuất trong nước.

Liu Yiyang, phó giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc, phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh vào tháng trước rằng các động thái của Mỹ chống lại hàng xuất khẩu từ Đông Nam Á là một chiến thuật để chặn cái mà họ gọi là "lỗ hổng" trong việc kìm hãm các lĩnh vực năng lượng mới của Trung Quốc.

Mỹ và EU đã để mắt tới vấn đề sản xuất quy mô lớn của Trung Quốc trong các ngành năng lượng mới và đã triển khai một loạt cuộc điều tra và biện pháp đối phó. Bên cạnh đó, Mỹ và EU cũng chỉ trích xe điện và pin lithium của Trung Quốc trong nỗ lực bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương.

Tham khảo SCMP

Cùng chuyên mục

Đọc thêm