DGW:
Sau khi chạm đáy, nhu cầu tiêu dùng các thiết bị điện tử (ICT) đang có xu hướng hồi phục dù tốc độ vẫn còn khá chậm. Không chỉ các nhà bán lẻ, "trùm" bán buôn Digiworld (mã DGW) với mô hình độc đáo dịch vụ phát triển thị trường (MES), cũng tận dụng thời cơ để trở lại đà tăng trưởng.
Quý đầu năm 2024, Digiworld ghi nhận doanh thu 4.985 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 93 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 26% và 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa phần các ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số, cụ thể hàng tiêu dùng tăng 53%, thiết bị văn phòng tăng 48%, điện thoại di động tăng 29%, thiết bị gia dụng tăng 27%, chỉ có máy tính xách tay & máy tính bảng tăng 4%.
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán DSC, Digiworld là đơn vị trung gian hợp tác với hơn 30 nhà cung cấp là các thương hiệu lớn như Apple, Dell, Xiaomi… để phân phối sản phẩm của các hãng này tới hơn 16.000 điểm bán hàng trên cả nước thuộc các chuỗi bán lẻ như FPT shop, Thế giới di động, CellphoneS…
Về triển vọng năm 2024, DSC cho rằng mảng ICT giai đoạn nửa cuối năm sẽ có sự phục hồi rõ ràng hơn nhờ vào (1) chu kỳ thay thế sản phẩm thường sẽ diễn ra sau 2,5-3 năm (kỷ lục doanh thu mảng ICT diễn ra vào Q4/2021), (2) sự ra mắt của một số sản phẩm công nghệ đời mới và (3) mùa tựu trường diễn ra sẽ kích thích nhu cầu mua sắm các thiết bị điện tử.
Thận trọng hơn, Chứng khoán Asean (AseanSC) cho rằng mảng ICT sẽ hồi phục với tốc độ chậm với mức tăng trưởng 1 chữ số trong năm 2024. Dù vậy, mảng điện thoại di động có khả năng tăng trưởng tốt hơn nhờ nhu cầu phục hồi và các yếu tố hỗ trợ tiêu dùng. Bên cạnh đó, lộ trình tắt sóng 2G và sự vươn lên của Apple và Xiaomi tại Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy doanh số mảng này.
Đối với thị trường ICT nói chung, AseanSC dự báo doanh số sẽ tăng trưởng qua từng năm trong giai đoạn 2023-2028 nhờ tăng trưởng kinh tế tích cực, lạm phát ổn định và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên. Các công nghệ mới và tính năng công suất lớn dự kiến thúc đẩy xu hướng ở một số danh mục thiết bị lớn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kép được dự báo ở mức dưới 5%.
Những động lực tăng trưởng mới
Ở một góc độ nào đó, mảng ICT có thể chưa thực sự bão bão hòa. Tuy nhiên, Digiworld vẫn đang nỗ lực tiềm kiếm thêm động lực mới. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch HĐQT Digiworld cho biết "Tầm nhìn đến năm 2025, tỷ trọng của ngành hàng điện thoại, máy tính xách tay & máy tính bảng có thể sụt giảm về còn 65% dù vẫn tăng trưởng".
Việc tìm kiếm động lực mới được Digiworld triển khai thông qua các thương vụ M&A đáng chú ý. Cuối năm ngoái, công ty đã nâng sở hữu tại chuỗi cầm đồ Vietmoney lên 72,8%. Đây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu mua sắm của khách hàng và là bước đầu thuận lợi để Digiworld thực hiện chiến lược kinh doanh sản phẩm đã qua sử dụng (secondhand).
Theo AseanSC, động thái mua lại chuỗi Vietmoney kỳ vọng sẽ có những cộng hưởng với hệ sinh thái của Digiworld hiện tại khi có thể giúp đưa ra giải pháp thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng với các sản phẩm trong hệ sinh thái của công ty (Xiaomi, Apple, Dell…) từ các hoạt động như mua bán đồ cũ, thu cũ đổi mới, cầm đồ, cấp tín dụng.
Ngoài ra, Digiworld cũng có định hướng thâm nhập vào thị trường sản phẩm cũ đã qua sử dụng. Việc kinh doanh các sản phẩm secondhand được đánh giá là có tiềm năng lớn nhưng hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào tham gia vào phân khúc này. AseanSC cho rằng Digiworld sớm gia nhập thị trường này sẽ nhanh chóng giành được thị phần nhờ có hệ sinh thái vững vàng làm bệ đỡ.
Cũng trong năm 2023, Digiworld đã mua lại 75% Công ty Achison - chuyên cung cấp thiết bị bảo hộ lao động, ngành hàng được đánh giá có nhiều tiềm năng do Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư FDI. DSC kỳ vọng rằng, với việc có chiến lược mở rộng danh mục các sản phẩm bảo hộ lao động, Achison có thể tiếp tục gia tăng thị phần từ đó đóng góp nhiều hơn trong cơ cấu doanh thu của Digiworld.
Đồng quan điểm, AseanSC ngành thiết bị công nghiệp và bảo hộ lao động được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt với nhu cầu dự kiến tăng từ 6% - 9% đến năm 2025. Điều này được hỗ trợ bởi yếu tố Việt Nam là một điểm sáng đầu tư của các doanh nghiệp FDI và là điểm dịch chuyển tiềm năng cho các nhà máy lớn của các thương hiệu hàng đầu.
"Sự gia tăng số lượng nhà máy của các thương hiệu lớn cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu cho các thiết bị bảo hộ lao động và thiết bị công nghiệp cũng gia tăng. Do đó, thị trường cung cấp thiết bị công nghiệp và an toàn lao động sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, tạo cơ hội cho Digiworld và Achison", báo cáo của AseanSC nhấn mạnh.
Trước đó, Digiworld cũng đã gia nhập cuộc chơi trong ngành hàng F&B từ đầu năm 2023 khi ký kết hợp tác với AB inbev và Lotte Chilsung và đã thu về những kết quả khả quan. Theo Fitch Solution, tăng trưởng trung hạn trong chi tiêu cho đồ uống không cồn dự kiến đạt trung bình khoảng 9,0% một năm, nâng tổng chi tiêu lên 69.400 tỷ đồng vào năm 2027.
Chứng khoán Funan cho rằng, phân khúc đồ uống không cồn có thành tích vượt trội dự kiến sẽ là đồ uống có ga, với mức chi tiêu cho các sản phẩm này được dự báo sẽ tăng trung bình hàng năm khoảng 10% đến 11% trong giai đoạn 2024-2027. Chi tiêu sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu giữa Cơ sở người tiêu dùng trẻ của Việt Nam và đầu tư ngày càng tăng vào lĩnh vực này.