Tài chính

Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, MB kinh doanh thế nào để vào Top 100 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á của Fortune?

Vậy các nhà băng Việt đã kinh doanh ra sao để lọt Top 100 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á của Fortune?

Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, MB kinh doanh thế nào để vào Top 100 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á của Fortune?- Ảnh 1.

10 ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á theo bảng xếp hạng Fortune 500. Ảnh: Chụp màn hình

Agribank

Agribank là ngân hàng lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 9 Đông Nam Á, theo xếp hạng của Fortune. Dựa thống kê của tạp chí này, năm 2023, doanh thu của Agribank đạt hơn 7,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận đạt 862 triệu USD, tăng 12,6%. Tính tới thời điểm đưa ra thống kê, Agribank có cơ cấu hơn 40.663 nhân sự.

Theo giới thiệu trên website của ngân hàng, Agribank là Ngân hàng thương mại duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có quy mô và mạng lưới hoạt động lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch khắp mọi vùng, miền, huyện đảo.

Số liệu thể hiện trên báo cáo tài chính này của nhà băng này cho thấy, trong năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cả năm của đạt hơn 25.859 tỷ đồng, tăng gần 15%.

Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, MB kinh doanh thế nào để vào Top 100 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á của Fortune?- Ảnh 2.

Năm 2024, Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận 2024 đạt 26.960 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng dưới 2%, trong đó tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) được kiểm soát dưới 1,85%.

BIDV

Sau Agribank, BIDV được tạp chí có trụ sở tại Mỹ xếp hạng là ngân hàng lớn thứ 2 Việt Nam, đứng thứ 10 Đông Nam Á. Trong danh sách tổng hợp tất cả các doanh nghiệp thuộc đa lĩnh vực BIDV đứng hạng 39.

Doanh thu của BIDV trong năm ngoái theo công thức của Fortune đạt gần 7,52 tỷ USD, lợi nhuận đạt hơn 902 triệu USD, tăng trưởng lần lượt 19,5% và 16,7%. Sở hữu lợi nhuận và tổng tài sản vượt Agribank, song, BIDV vẫn đứng sau trên bảng xếp hạng bởi Fortune 500 dựa vào tiêu chí doanh thu.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, năm ngoái, tổng tài sản của BIDV đạt 2,25 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2022, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế đạt 27.589, tăng trưởng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, MB kinh doanh thế nào để vào Top 100 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á của Fortune?- Ảnh 3.

Hết quý I/2024, BIDV báo lãi trước thuế gần 7.400 tỷ đồng, tăng 7% so với quý I/2023. Thu từ kinh doanh ngoại hối của nhà băng này tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần giảm nhẹ xuống 13.500 tỷ, còn dịch vụ gần 1.700 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh của BIDV thu hẹp một phần do chi phí hoạt động tăng, nhưng được bù lại nhờ việc trích lập dự phòng thấp hơn 20%.

VietinBank

Một ngân hàng khác trong "Big4" có mặt trong xếp hạng của Fortune là VietinBank. Trên bảng xếp hạng này, VietinBank đứng vị trí 48 và nằm trong top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng của Fortune.

Dựa vào công thức tính của tạp chí này, năm ngoái doanh thu của VietinBank đạt gần 6,6 tỷ USD, lợi nhuận đạt 835,6 triệu USD, tăng lần lượt 15,1% và 15,4%. Năm qua, ngân hàng này đạt tổng tài sản hơn 82.9 tỷ USD, với hơn 24.642 nhân sự đang làm việc.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, hết quý I/2024, VietinBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 15.100 tỷ đồng, tăng gần 20%. Chi phí hoạt động tăng thêm 10%, lãi thuần từ kinh doanh của VietinBank vẫn mở rộng so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng của nhà băng này tăng gần 20% trong quý I. Kết quả là VietinBank lãi trước thuế 6.200 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

VPBank

Doanh thu của VPBank trong năm 2023, theo công thức tính của Fortune, đạt xấp xỉ 4,05 tỷ USD, với lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức gần 419 triệu USD, trong khi tổng tài sản chạm mốc 33,7 tỷ USD tại thời điểm ngày 31/12/2023.

Nhờ đó, VPBank nằm trong top 100 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ 10 tại Việt Nam. Năm ngoái, nhà băng này hoàn thành thương vụ bán 15% vốn cho cổ đông chiến lược SMBC Nhật Bản. Sau thương vụ, vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt xấp xỉ 140.000 tỷ đồng (~5.7 tỷ USD), đứng thứ hai hệ thống ngân hàng Việt.

Hết quý I/2024, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.100 tỷ đồng, xấp xỉ 165 triệu USD, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ.

Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, MB kinh doanh thế nào để vào Top 100 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á của Fortune?- Ảnh 4.

Năm 2024, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm trước. Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 20.709 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit là 1.200 tỷ đồng, của Chứng khoán VPBank (VPBS) là 1.902 tỷ đồng và của Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng.

MB

Ngân hàng Quân Đội (MB) là nhà băng đứng áp chót trên bảng xếp hạng của Fortune. Năm ngoái, MB ghi nhận doanh thu hơn 3,6 tỷ USD, tăng 18%; lợi nhuận đạt 868,1 triệu USD, tăng 16,1% theo xếp hạng của tạp chí có trụ sở Mỹ. Kết quả này giúp MB đứng vị trí 99 trong bảng xếp hạng, là nhà băng lớn thứ 5 tại Việt Nam.

Trong Đại hội đồng cổ đông bất thường hôm 15/6, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, ngân hàng ước đạt 13.000 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng xấp xỉ 5% so với cùng kỳ năm 2023.

So với các năm trước, năm nay, MB đặt kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn hơn. Cụ thể, nhà băng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản xấp xỉ 13%, tín dụng tăng 15-16%. Kế hoạch thận trọng được ông Lưu Trung Thái đánh giá là "phương án an toàn" dựa trên tình hình nghiên cứu toàn ngành.

"Thông thường quý 1 tăng trưởng tín dụng 4-5%, nhưng năm nay không tăng, đến thời điểm này chỉ tăng khoảng 0,23%. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành năm 2023 tăng mạnh do đó áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên. Do đó, ban lãnh đạo đề ra phương án an toàn. Năm nay, chúng ta bình tĩnh và chuẩn bị các điều kiện để bền vững hơn trong giai đoạn tới", Chủ tịch HĐQT MB nói.

Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, MB kinh doanh thế nào để vào Top 100 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á của Fortune?- Ảnh 5.

Fortune là một tạp chí kinh doanh đa quốc gia, do Time Inc phát hành và sở hữu. Fortune thường xuyên xuất bản các bảng xếp hạng Fortune 500, hiện gồm các bảng xếp hạng Fortune Global 500, Fortune 500 Europe, Fortune China 500 và mới đây là Fortune SEA 500.

Trong lần đầu tung bảng xếp hạng các doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, Fortune dựa vào tiêu chí doanh thu cho năm tài chính 2023. Bảng xếp hạng quy tụ các công ty từ 7 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines và Campuchia. 

Việt Nam có 70 doanh nghiệp góp mặt trong danh sách, trải dài từ tài chính-ngân hàng, bất động sản, năng lượng, lương thực, công nghiệp nặng, tới hàng không, bán lẻ…. Ngưỡng doanh thu tối thiểu để một doanh nghiệp lọp vào danh sách là hơn 460 triệu USD.

Ngân hàng là lĩnh vực lớn thứ 2 ở Đông Nam Á, theo thống kê từ bảng xếp hạng Fortune Southeast Asia 500, với tổng doạnh thu của 67 tổ chức tín dụng đạt 242 tỷ USD, chỉ xếp sau ngành năng lượng với đóng góp doanh thu lên tới gần 591 tỷ USD trong năm 2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm