Việc ra mắt một chiếc áo đấu mới vào đầu mùa hè trước một mùa giải bóng đá mới là một truyền thống hàng năm và sinh lợi cho các câu lạc bộ ở Anh. Tuy nhiên, khi Premier League mùa giải mới sắp khởi tranh, các cửa hàng của những câu lạc bộ hàng đầu nước Anh lại đang gặp vấn đề với chuỗi cung ứng, theo Asia Nikkei.
Vào cuối tháng 7, tờ BBC đưa tin rằng chỉ có 44 trong số 92 câu lạc bộ ở 4 giải đấu hàng đầu nước Anh có toàn bộ áo đấu mới, cả sân nhà lẫn sân khác, được bày bán. Ngược lại, có tới 19 câu lạc bộ không có cả áo đấu sân nhà lẫn sân khách mới để giới thiệu với người mua.
“Toàn bộ ngành công nghiệp quần áo bóng đá ở châu Âu đều đi chung một con đường và đã được vận hành trong suốt 20 – 30 năm qua, kể cả khi ngành công nghiệp này chuyển sang châu Á. Mọi thứ diễn ra hoàn hảo cho tới khi đại dịch bùng phát”, Carl Davis, CEO công ty thời trang Perry Ellis Europe cho biết.
Những làn sóng bùng dịch COVID-19, dẫn tới các đợt phong tỏa diện rộng ở Trung Quốc và Việt Nam đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, từ ô tô tới hàng điện tử tiêu dùng, và giờ đây là cả ngành thể thao.
Hai trong số các nhà sản xuất quần áo thể thao lớn nhất, Adidas và Nike, sử dụng tổng cộng khoảng 500.000 công nhân chỉ riêng tại Việt Nam. Việc xuất hiện các làn sóng bùng dịch COVID-19 diện rộng vào năm 2021 đã khiến 1/3 nhà máy của hai doanh nghiệp này phải đóng cửa. Ngay cả khi đại dịch dần được kiểm soát, sản xuất phục hồi, ngành công nghiệp thể thao vẫn có nhiều cạnh tranh khi Nike và Adidas tìm cách vận chuyển hàng đi khắp thế giới.
"Giống như nhiều ngành công nghiệp khác, chúng tôi tiếp tục phải đối mặt với năng lực vận chuyển hạn chế. Chúng tôi hiểu sự thất vọng của người mua vào thời điểm này. Chúng tôi cũng đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác câu lạc bộ của mình để tìm ra giải pháp tốt nhất trong việc cung cấp sản phẩm sớm nhất có thể", đại diện Adidas chia sẻ.
Trước đây, các câu lạc bộ thường bắt đầu làm việc từ một năm trước khi mùa giải mới khởi tranh, thường vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm trước. Mục tiêu là sau khi các mẫu thiết kế được thống nhất, những chiếc áo sẽ được sản xuất vào tháng 12 hoặc đầu tháng 1 để đảm bảo các chuyến hàng rời cảng Trung Quốc hoặc Việt Nam trước khi bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào khoảng tháng 2.
"Cách vận chuyển tiết kiệm chi phí nhất là sử dụng dịch vụ giao hàng trên các thuyền trong khoảng 12 tuần. Các câu lạc bộ tại Anh có thể đưa các nhà tài trợ mới nhất vào trang phục thi đấu nếu họ muốn. Có nghĩa là ngay sau khi mùa giải kết thúc, các câu lạc bộ có thể công bố các mẫu quần áo cho mùa giải mới. Mọi người có thể mua chúng vào mùa hè”, ông Davis chia sẻ.
Những câu lạc bộ lớn, có lượng áo đấu được các nhà sản xuất ưu tiên lựa chọn do sức hút lớn hơn, có thể giải quyết vấn đề tài chính dễ dàng hơn nhiều. Những cái tên như Manchester United và Liverpool, hai câu lạc bộ thành công nhất ở Anh về số danh hiệu, thường được các nhà sản xuất trả một khoản phí trả trước rất cao. Vào năm 2020, hợp đồng của Liverpool với Nike có trị giá 200 triệu USD trong 5 năm, và câu lạc bộ cũng được báo cáo nhận 20% hoa hồng từ bán hàng. Giá một chiếc áo đấu của The Kop trong mùa giải này rơi vào khoảng 85 USD.
20 câu lạc bộ ở giải Ngoại hạng Anh đã chia nhau khoảng 3,2 tỷ USD tiền thưởng và doanh thu phát sóng chỉ tính riêng trong mùa giải 2021/22. Các câu lạc bộ nhỏ hơn ở những giải đấu hạng dưới nhận được ít tiền hơn từ bản quyền truyền hình. Các câu lạc bộ đang chơi ở giải hạng 4 Anh đạt tổng doanh thu trung bình khoảng 5 triệu USD/mùa trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
“Hầu hết câu lạc bộ bóng đá tại vương quốc Anh không kiếm được tiền, có nghĩa là nếu sau đó họ kiếm được ít tiền hơn, thì điều đó sẽ khiến họ gặp rủi ro. Đối với các câu lạc bộ lớn hơn, tiền thưởng từ giải đấu và bản quyền truyền hình chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu, sau đó là tiền từ các nhà tài trợ áo đấu cũng như các hoạt động kinh doanh khác. Càng chơi ở những giải đấu cấp thấp, khoản tiền mà các câu lạc bộ có thể kiếm được từ các hoạt động kinh doanh càng ít đi”, ông Davis nói thêm.
Việc chuyển hoạt động sản xuất từ châu Á trở lại châu Âu có thể không phải là cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất. “Ngay cả khi áo bóng đá của bạn không được sản xuất tại Trung Quốc, vải vẫn có xuất xứ từ Trung Quốc. Điều đó thậm chí có thể tồi tệ hơn”, ông Davis nhấn mạnh.