Ngày 29/6, website thương hiệu AVAFashion đã chính thức dừng hoạt động. Khi truy cập vào website này, người dùng sẽ được chuyển hướng sang website của AVASport. Đây đều là hai dự án thử nghiệm mới của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG), trong đó AvaFashion là chuỗi cửa hàng bán quần áo trong khi AvaSport bán đồ thể thao.
Trao đổi với người viết, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động xác nhận thông tin này, và cho biết chuỗi AVAJi (bán trang sức) cũng đang bị tạm đóng.
Trên đây là 3 trong số 5 chuỗi cửa hàng mới được mở của Thế Giới Di Động trong khoảng thời gian từ cuối năm ngoái tới nửa đầu năm nay, gồm AVAKids (mẹ và bé), AVASport (đồ thể thao), AVACycle (xe đạp), AVAFashion (thời trang) và AVAJi (trang sức).
Trước đó, trong ngày ra mắt 5 thương hiệu thuộc họ AVA, ông Hiểu Em từng tự tin nhận định rằng thị trường có nhiều cơ hội cũng như khoảng trống sau các làn sóng dịch bệnh chưa được khai thác.
"Các lĩnh vực mới đều chưa thực sự có đơn vị nào dẫn dắt thị trường. Do đó, cần phải nhảy vào sao cho nhanh nhất để giành phần thắng nhanh nhất”, vị CEO cho biết.
Trước AVAFashion và AVAJi, Thế Giới Di Động cũng đã từng thử nghiệm và đóng cửa nhiều dự án bán lẻ như điện thoại siêu rẻ, kính mắt, thương mại điện tử vuivui.com. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang gồng gánh hai mảng bán lẻ theo chuỗi không phải thế mạnh truyền thống là Bách Hoá Xanh và nhà thuốc An Khang.
Tăng trưởng giảm tốc sau nhiều năm
Để có được cái nhìn toàn cảnh các hoạt động kinh doanh của Thế Giới Di Động, chúng tôi đã tìm đến các số liệu tài chính được đơn vị này công bố công khai từ năm 2014 - thời điểm công ty lên sàn với mã giao dịch MWG.
Về doanh thu, tính đến năm 2021, Thế Giới Di Động gần như là đơn vị bán lẻ theo chuỗi có quy mô doanh thu lớn nhất tại Việt Nam bằng việc sở hữu loạt chuỗi cửa hàng có độ nhận diện cao, chiếm thị phần lớn như Điện Máy Xanh (2.131 cửa hàng), Thế Giới Di Động (1.067 cửa hàng), Bách Hoá Xanh (1.889 cửa hàng),… (số liệu tính hết 6 tháng đầu năm 2022). Công ty đạt quy mô doanh thu 122.958 tỷ đồng vào năm ngoái, tăng 6,8 lần so với thời điểm năm 2014.
So sánh với doanh nghiệp cùng ngành là CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (mã: FRT) - đơn vị đang hoạt động trong mảng kinh doanh gần tương đương với Thế Giới Di Động (thiếu bán lẻ bách hoá), đạt 22.495 tỷ đồng doanh thu thuần vào năm ngoái, tức chỉ bằng 18% tổng doanh thu Thế Giới Di Động.
Dễ thấy Thế Giới Di Động đã có những bước tiến rất xa so với chính mình và so với cả đối thủ kể từ khi lên sàn vào 8 năm trước. Song, nhìn tổng thể, tăng trưởng của MWG đang “lao dốc” trong những năm gần đây.
Đơn cử, năm 2016 - hai năm kể từ khi IPO, tăng trưởng doanh thu Thế Giới Di Động đạt đỉnh 80% so với cùng kỳ năm trước. Từ đây cũng bắt đầu đánh dấu đà giảm tốc của công ty, khi tăng trưởng hàng năm giảm từ 80% (2016) xuống 46% (2017) và 14% (2021). Năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ của Thế Giới Di Động xuống còn 6,8%.
Tăng trưởng lợi nhuận của Thế Giới Di Động trong giai đoạn này cũng ghi nhận mức giảm tương tự. Đây cũng là giai đoạn được nhận định thị trường điện máy và công nghệ tại Việt Nam đang đi dần đến độ bão hoà (hai động lực tăng trưởng chủ yếu cho MWG trong thời gian trước đó). Do đó, năm 2015, Thế Giới Di Động đã nhảy vào cuộc chơi bán lẻ tạp hoá bằng việc ra đời chuỗi Bách Hoá Xanh.
Đến nay, sau hơn 6 năm hoạt động, Bách Hoá Xanh đang gặp những vấn đề nội tại khiến chuỗi này phải tạm dừng các mục tiêu tăng trưởng, tập trung cải tổ trong đó có việc đóng bớt các cửa hàng hiện hữu.
Vấn đề với Bách Hoá Xanh
Đi cùng với việc tăng quy mô trong các mảng kinh doanh, vốn chủ sở hữu của Thế Giới Di Động liên tục tăng nhanh trong khoảng thời gian này. Năm 2014, vốn chủ sở hữu của công ty dừng ở 1.475 tỷ đồng, thì đến thời điểm cuối năm 2021, con số này là 20.378 tỷ đồng, tức tăng gấp 12 lần sau 8 năm.
Tuy nhiên, khi xét đến tỷ suất sinh lời (ROE), dường như Thế Giới Di Động đang sử dụng đồng vốn kém hiệu quả. Năm 2014, ROE của đơn vị này là 46% cũng là con số cao nhất. Sau này, khi mở rộng sang các lĩnh vực khác, ROE của MWG đã giảm dần và xuống 25% vào năm 2021, tức bỏ ra 10 đồng thu về chưa được 3 đồng.
Đi tìm câu trả lời cho việc sử dụng vốn của MWG trong những năm qua, chúng tôi tìm thấy một câu nói của ông Nguyễn Đức Tài từng phát biểu hồi 2016 được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đăng tải lại, có thể giải thích cho điều này.
Cụ thể, ông Tài khi ấy nói rằng: “Thế Giới Di Động không phải là bếp ăn từ thiện để nuôi Bách Hoá Xanh”. Thật vậy, được mở từ 2015, song phải đến năm 2018, sau hai năm liên tục thử nghiệm Bách Hoá Xanh mới tìm ra được "công thức chiến thắng" - trích trong Báo cáo Thường niên 2019 của MWG, trong đó bao gồm thay đổi vị trí mở cửa hàng và danh mục sản phẩm kinh doanh, để nhân rộng.
Mục tiêu trễ nhất là đến cuối tháng 12/2019, chuỗi Bách hóa Xanh bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp, tức là bù đắp hoàn toàn được tất cả các chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối, nhưng chưa bao gồm các chi phí quản lý ở cấp độ công ty.
Khi ấy, Thế Giới Di Động cho biết sẽ tập trung vào cải thiện lợi nhuận gộp thông qua việc tích cực làm việc với các nhà cung cấp hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs) để có giá mua rẻ hơn, chính sách khuyến mãi cho khách hàng hấp dẫn hơn và triển khai các chương trình marketing tốt hơn. Cùng với đó, rà soát quy trình xử lý và tăng hiệu quả các khâu trong chuỗi cung ứng hàng tươi sống.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, mục tiêu này vẫn chưa thể hoàn thành. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2021, Thế Giới Di Động đã phải bỏ ra nguồn lực rất lớn để tạo ra tăng trưởng 19 lần về doanh thu cho Bách Hoá Xanh và tăng trưởng hơn 6 lần về số lượng cửa hàng (2021 so với 2017). Vậy nhưng vẫn chưa đủ.
Ông Trần Kinh Doanh, cựu CEO phụ trách chuỗi Bách Hóa Xanh cho biết, khoản lãi kiếm được từ 20.000 tỷ đồng doanh thu tính đến cuối năm 2020 của chuỗi đã có thể bù đắp toàn bộ chi phí cửa hàng và trung tâm phân phối trước khấu hao. Nhưng nếu khoản này trừ chi phí khấu hao và chi phí chung, thì lợi nhuận vẫn âm.
“Tôi rất tự tin rằng, kết quả làm ra của Bách hóa Xanh sẽ xử lý đủ để bù khoản chi phí chung trong năm 2021, còn chi phí sau khấu hao cần thêm năm 2022 nữa mới có thể xử lý được”, ông Doanh nói.
Vậy nhưng đến nay, Bách Hoá Xanh vẫn đang là “cơn đau đầu” của Thế Giới Di Động. Cuối năm ngoái, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế Giới Di Động, đã lên nắm quyền điều hành trực tiếp chuỗi này, thay cho ông Doanh với mục tiêu cải thiện nền tảng vận hành và tối ưu hoá hoạt động.
Tính đến trung tuần tháng 7 năm nay, Bách Hoá Xanh đã đóng hơn 300 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả cũng như không đáp ứng theo chuẩn mới. Các điểm bán khác doanh nghiệp sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cấp mới.
Công ty cho biết đang rà soát xử lý theo từng nhóm cửa hàng, dự kiến vận hành 1.700 - 1.800 cửa hàng cuối quý III. MWG cũng cho biết các chi phí phát sinh một lần từ việc đóng cửa hàng sẽ tác động ngắn hạn đến lợi nhuận của Bách Hoá Xanh và công ty trong quý II và quý III/2022.
Trong quý IV, Bách Hoá Xanh sẽ tập trung vào việc hoàn thiện nền tảng back-end, tối ưu vận hành để cải thiện biên lợi nhuận.
Như vậy, sau gần 8 năm đi vào hoạt động, Thế Giới Di Động vẫn đang loay hoay với bài toán dành cho Bách Hoá Xanh. Rõ ràng, bán lẻ thực phẩm và tạp hoá là cuộc chơi không đơn giản như đồ điện máy và công nghệ - hai lĩnh vực đã làm nên tên tuổi cũng như thành công cho Thế Giới Di Động.
Song song với khoảng thời gian tìm công thức cho Bách Hoá Xanh, và bối cảnh bão hoà công nghệ, dễ dàng nhìn thấy lãnh đạo Thế Giới Di Động cũng không chịu ngồi yên khi liên tục tìm kiếm thành công trong các "chiến địa" mới. Song đến nay, chưa thực sự có lĩnh vực nào có được kết quả rõ ràng và công ty tỏ ra bế tắc trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng như giai đoạn hoàng kim đã từng.