Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn
Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, về việc kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh karaoke được thành phố làm thường xuyên. Do đó, ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Một cán bộ Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội nhận định về nguyên nhân một số vụ cháy quán karaoke đa phần do chập điện và bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, trong đó có vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, năm 2016, khiến 13 người thiệt mạng.
Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke sử dụng vật liệu cách âm không đủ tiêu chuẩn, vật liệu giả, nhái nhằm giảm giá thành. “Các vật liệu cách âm phải đảm bảo không cháy hoặc khó cháy, do đó, nếu không sử dụng đúng loại vật liệu khi có cháy gây ra nhiều khói, khí độc và gây nguy hiểm cho lực lượng chữa cháy cũng như người dân” - vị cán bộ cho biết.
Điển hình trong quá trình chữa cháy quán karaoke 5 tầng số 231 Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) vào ngày 1/8, ba cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy đã hy sinh khi bị các vật liệu làm trần giả, vật liệu trang trí bên trong nhà sập xuống...
Mặt khác, cũng có một số quán karaoke sử dụng bình cứu hỏa quá hạn, không được kiểm tra bảo dưỡng, thay thế định kỳ dẫn đến khi xảy ra hỏa hoạn không sử dụng được.
Theo ghi nhận của PV, đa phần các cơ sở kinh doanh karaoke tại Hà Nội là nhà ở dạng “nhà ống”, sau đó chuyển đổi công năng thiết kế cách âm, cách nhiệt trong các phòng và bịt kín cửa sổ. Ngoài ra, phía bên ngoài được lắp các biển hiệu quảng cáo, đèn led… che kín toàn bộ mặt tiền căn nhà, gây khó khăn khi chữa cháy, cứu nạn.
Do bắt buộc phải có lối thoát nạn thứ 2, nhiều cơ sở "chống chế" bằng cách làm cầu thang sắt sơ sài phía ngoài ngôi nhà. Trên tum cũng được quây kín tôn để tận dụng làm nơi để đồ đạc, điển hình là quán karaoke số 231 Quan Hoa vừa xảy ra hỏa hoạn.
Tầng tum quán karaoke 231 Quan Hoa quây kín bằng tôn |
Kinh doanh karaoke phải đảm bảo điều kiện gì?
Thông tư số 147/2020/TT-BCA của Bộ Công an đã quy định rất rõ biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Cụ thể, cơ sở phải có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp và có lực lượng PCCC cơ sở sẵn sàng chữa cháy tại chỗ...
Giữa năm 2019, tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội về vấn đề về an toàn PCCC, lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cho biết, trên địa bàn có khoảng hơn 1.600 điểm kinh doanh karaoke, nhưng chỉ có khoảng 500 điểm đủ điều kiện.
Ngày 2/8, trả lời trên báo Tiền Phong, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết, sau vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông năm 2016, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội có yêu cầu tạm dừng cấp phép karaoke để rà soát. Do đó, 6 năm nay chưa cấp thêm giấy phép nào.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao từ 3 tầng trở lên phải có thiết kế về PCCC.
Biển quảng cáo bên ngoài không che kín toàn bộ nhà, công trình, che lấp các lối thoát nạn, ban công, vật liệu sử dụng phải là vật liệu không cháy, phù hợp với các quy định…
Tường ngăn giữa hành lang và các gian phòng phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; mỗi tầng của nhà phải có ít nhất 2 lối thoát nạn. Đối với các gian phòng có diện tích lớn hơn 50m2 phải có ít nhất 2 lối thoát nạn và lối thoát nạn đi vào thang bộ phải có cửa ngăn cháy.