Kere nghĩa là đói
Liên Hợp Quốc đã xác định nạn đói ở Madagascar là nạn đói do biến đổi khí hậu đầu tiên trên thế giới. Phía Madagascar tuyên bố đó là kết quả của việc phương Tây sử dụng nhiên liệu cacbon quá mức cho phép. Tuy nhiên, một số nhà khoa học và chuyên gia không đồng tình, họ cho rằng nạn đói thực sự xuất phát từ những vấn đề nội tại của Madagascar. Còn đối với người dân miền nam Madagascar, những người không biết đến các tranh cãi quốc tế, điều duy nhất họ quan tâm là thức ăn đang ngày càng khan hiếm, đó chính là "kere" – nạn đói.
Soanavorie Tognemare là một người phụ nữ 22 tuổi tháo vát, hiện đang sống cùng chồng và hai đứa con thơ ở một ngôi làng gần Ambovombe. Cô đã làm mọi cách để duy trì sự sống cho các con của mình. "Tôi đã cho con ăn quả xương rồng và lá cây dại", cô nói khi ôm đứa con gái hai tuổi của mình, Haova, có thời điểm cô bé đã được chẩn đoán bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. "Kere có nghĩa là đói. Không có thức ăn mỗi ngày. Đó là kere", cô chia sẻ.
Ngoài những bụi cây khô, loài thực vật sinh trưởng tốt nhất tại đây là xương rồng
Ba năm qua, miền nam Madagascar, một quốc đảo ngoài khơi bờ biển phía đông của châu Phi, gần như không có mưa. Nơi trước kia thường gắn liền với những khu rừng nhiệt đới, cây bao báp và vượn cáo, giờ đã trở thành một vùng bán cằn cỗi và bị bao phủ bởi nạn đói.
Ở phía nam, cách thủ đô Antananarivo hơn 1.000 km, ngay cả trong những thời điểm thuận lợi nhất, người dân vẫn luôn phải vật lộn để tìm được cơ hội sống. Tại một vùng quê hiếm ai có điện thoại di động hay xe máy, và chỉ những người khá giả mới đủ khả năng đi lại bằng xe bò, việc thiếu mưa đã khiến hàng trăm nghìn người rơi vào cảnh đói khổ cùng cực.
Những chiếc xe bò là phương tiện chỉ người khá giả mới có thể sở hữu
Khoảng 1,68 triệu người, tương đương một phần ba dân số của khu vực Grand Sud nằm ở phía nam hòn đảo, đang trong tình trạng "khủng hoảng" hoặc "khẩn cấp nhân đạo", theo Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp, thang điểm về cấp độ nạn đói đang ngày càng tăng.
Bản đồ vùng Grand Sud thuộc quốc đảo Madagascar
Mẹ thiên nhiên "nổi giận"
Lalaina Rakotondramanana, tỉnh trưởng của Ambovombe, thủ phủ vùng Androy, một trong ba khu vực hành chính tạo nên Grand Sud
Về cơ bản, cuộc khủng hoảng nhân đạo của Madagascar đã đặt ra câu hỏi về mức độ con người tàn phá môi trường, cho dù ở cấp độ toàn cầu hay địa phương. Khi người dân Grand Sud đấu tranh để kiếm sống từ những mảnh đất khô cằn, họ đã đưa ra lời cảnh báo cho các quốc gia khác, cũng như cả hành tinh này, về những gì sẽ xảy ra khi sự tàn phá thiên nhiên của con người vượt quá mức cho phép.
Như Jared Diamond, một nhà địa lý học, đã viết trong cuốn sách "Collapse" của mình: "Toàn bộ xã hội, chẳng hạn như Đảo Phục sinh, một hòn đảo nằm tại Thái Bình Dương từng phát triển rực rỡ, có thể đột nhiên suy thoái theo hướng tự hủy diệt". Một số nhà khoa học cho biết, giống như cách người dân trên đảo Phục Sinh chặt những cái cây cuối cùng, thứ giúp duy trì sự sống còn của hòn đảo, có lẽ nạn phá rừng ở Madagascar cũng sẽ chặt đứt "nguồn sống" mà họ cần để tồn tại.
Khi người dân ở nước nào cũng khai thác tài nguyên và trả lại cho môi trường cacbon và rác, những gì đang xảy ra ở miền nam Madagascar chính là điềm báo cho tương lai của toàn nhân loại. Nhiều nhà khoa học tin rằng môi trường sống không thể tiếp tục duy trì sự sống chỉ còn là vấn đề thời gian. "Thật khó để sống ở đây. Không có đủ mưa nên chúng tôi không thể trồng lương thực", Patricia Vola, một nhà tổ chức cộng đồng ở Grand Sud, cho biết.
Nguồn cơn thảm hoạ
Nạn đói ở Madagascar đã trở thành "cột thu lôi" cho những tranh luận về biến đổi khí hậu, đặc biệt là liệu hệ thống sưởi trên toàn cầu có góp phần vào cuộc khủng hoảng của hòn đảo hay không. David Beasley, cựu thống đốc Nam Carolina của Đảng Cộng hòa và hiện là giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, cho biết: "Những đợt hạn hán liên tiếp xảy ra ở Madagascar đã đẩy các cộng đồng đến bờ vực của nạn đói. Điều này xảy ra không phải do chiến tranh hay xung đột, mà là do biến đổi khí hậu".
Trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao ở Anh, cảnh báo về "ngày tận thế nhiệt" ở Pháp và cháy rừng tàn phá từ Úc đến Mỹ, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng hạn hán kéo dài ở Madagascar là kết quả của biến đổi khí hậu toàn cầu. Một số khu vực của châu Phi, từ Sahel đến Horn, nơi nạn đói cũng đang hoành hành, đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hình thái thời tiết tàn khốc không thể đoán trước.
Tuy nhiên, một báo cáo vào tháng 12 năm ngoái của World Weather Attribution, một tập thể nghiên cứu, đã phát hiện ra rằng trong trường hợp của Madagascar, nguyên nhân chính của hạn hán là "sự biến đổi khí hậu tự nhiên" chứ không phải "sự biến đổi khí hậu do con người gây ra". Đây thường là sự kiện 135 năm mới có một lần, nhưng đã xảy ra hai lần trong vòng 30 năm trở lại đây. Hơn nữa, báo cáo cho biết "tình trạng mất an ninh lương thực ở Madagascar không chỉ do hạn hán, mà còn do một loạt các yếu tố như nhân khẩu học, nghèo túng, cơ sở hạ tầng, chính sách và những yếu tố phi khí hậu".
Những cánh đồng xơ xác quanh làng Ankilihago ở vùng Androy
Ở phía nam Madagascar, cơ sở vật chất hạ tầng và kĩ thuật từ trường học đến đường xá đều không đủ. Rakotondramanana, tỉnh trưởng của Ambovombe cho biết: "Miền nam đã bị lãng quên trong một thời gian dài".
Ô tô và xe tải có thể bị kẹt trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài tuần, làm tăng chi phí hàng hóa và gây khó khăn cho việc vận chuyển các sản phẩm của nông trại, dù không có mấy, đến các thành phố. Các quan chức địa phương cho biết việc cấp bách nhất hiện nay là đưa nước đến khu vực bằng đường ống hoặc khai thác các nguồn nước ngầm nằm sâu dưới lòng đất.
Một gia đình mua nước từ các giếng thương mại ở ngoại ô Ambovombe. Tại đây, nước khan hiếm đến mức được coi là "vàng lỏng"
Paul Wilkin, một chuyên gia về Madagascar tại Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew, London cho biết: "Kinh tế nông thôn Madagascar đã đi lùi trong vài thập kỷ qua. Hạn hán chủ yếu không phải do biến đổi khí hậu, mà là do đói nghèo".
Bên cạnh những thất bại về chính sách, một số nhà khoa học có cách giải thích khác về hạn hán. Patricia Wright, một chuyên gia về môi trường của Madagascar tại Đại học Stony Brook ở New York, lập luận rằng các hoạt động không bền vững của con người đã đẩy đất nước đến bờ vực của thảm họa. Bà nói: "Madagascar đang trong một vòng xoáy đi xuống nguy hiểm. Mọi người trở nên nghèo hơn mỗi năm. Và biến đổi khí hậu đang làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, đẩy nhanh tốc độ suy thoái".