Thời sự

TS. Cấn Văn Lực: "Giá xăng giảm, giá hàng hóa có độ trễ nhưng không thể kéo dài cả tháng"

Trao đổi tại toạ đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp" ngày 4/8, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, giá xăng dầu với giá hàng hoá là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thuyền xuống", giá xăng dầu là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành giá của nhiều mặt hàng, dịch vụ.

"Đồng ý là giá xăng dầu giảm thì giá cả hàng hoá giảm sẽ có độ trễ nhưng không thể kéo dài một  tháng hay vài tháng, rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay. ", TS. Lực nêu quan điểm.

Với tình trạng giá xăng giảm nhưng giá hàng hoá, dịch vụ không giảm như hiện nay xuất phát từ một số nguyên nhân khác. Thông thường các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm như vậy, giả sử họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì họ lại sợ rằng, sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình, nhưng sự thận trọng đó là không đủ thuyết phục.

Do đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa và thêm một điều rất quan trọng là ý kiến phản ánh của người dân.

"Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ. Khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng", ông nói và nhấn mạnh mong các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không thì người dân cảm thấy nản lòng, kiến nghị nhiều mà không được xử lý. 

Bên cạnh đó, theo TS. Cấn Văn Lực, cần phải làm rõ giá lên ở khâu nào, khâu trung gian của nước ta trong giá cả hàng hoá hiện đang rất cao và thiếu minh bạch nên nhiều khi nhà cung ứng giảm giá nhưng người dùng vẫn không được hưởng.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, sự thiếu công khai, minh bạch còn dẫn đến tình trạng chung chi, nhũng nhiễu. Nhân cơ hội này, cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để tăng tính công khai, minh bạch.

"Vừa rồi Chính phủ thực hiện thu phí không dừng, sự minh bạch này mang lại lợi ích rất lớn cho người dân và cũng làm giảm tình trạng tham nhũng", TS. Lực cho biết.

 Toạ đàm trực tuyến “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp". (Ảnh chụp màn hình).

Còn theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), vận tải đang là dịch vụ được hưởng lợi nhất từ giá xăng dầu giảm xuống, thông thường chi phí xăng dầu chiếm đến 30-40% chi phí vận tải.

Tuy nhiên, quy định, thủ tục về điều chỉnh giá của doanh nghiệp vận tải cũng khá phức tạp, doanh nghiệp cần đề xuất giá cước mới, chờ thủ tục đồng ý từ 5-7 ngày, sau đó, liên hệ với các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền sau đó thay đổi bảng niêm yết giá,...

Điều này khiến các doanh nghiệp "ngại" việc thay đổi giá cước khi giá xăng dầu biến động nhẹ. Tuy nhiên, trong 1 tháng gần đây, giá xăng dầu giảm mạnh nên sắp tới các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá cước cho phù hợp.

Theo quan điểm của chuyên gia Vũ Vinh Phú, doanh nghiệp cần chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng chứ không nên trục lợi, tranh thủ cơ hội kiếm lời, chỉ có như vậy mới có sự phát triển bền lâu. Với các cơ quan chức năng, cần có bàn tay vô hình kiểm soát giá cả các mặt hàng bất thường.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm