Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022, Tổng công ty Sông Đà – CTCP (Mã: SJG) ghi nhận hơn 1.559 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 6% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng và sản xuất công nghiệp. Quý này, doanh nghiệp không còn ghi nhận từ mảng bất động sản như cùng kỳ.
Trừ đi giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp 431 tỷ đồng, tăng 43%.
Đáng chú ý, hoạt động tài chính đem về cho tổng công ty hơn 3.128 tỷ đồng, gấp 41 lần con số 76 tỷ đồng cùng kỳ, tức tăng thêm 3.052 tỷ đồng. Doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể về khoản đột biến này.
Trước đó, ngày 19/4, Tổng công ty Sông Đà đã hoàn tất bán toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu SJS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), tương ứng tỷ lệ sở hữu 36,65%. Tổng số tiền thu về từ đợt chào bán là 4.258 tỷ đồng, tương ứng 102.000 đồng/cp, cao hơn 23% so với thị giá SJS lúc bấy giờ.
Báo cáo hợp nhất quý I/2022 thể hiện SJG đã đầu tư 856 tỷ đồng vào SJS. Như vậy, Tổng công ty Sông Đà đã lãi hơn 3.400 tỷ đồng từ việc thoái vốn công ty thành viên.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt từ 114 tỷ cùng kỳ lên 1.685 tỷ đồng, do phải dự phòng 1.536 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi.
Trừ đi các chi phí, Tổng công ty Sông Đà vẫn lãi sau thuế 1.028 tỷ đồng, gấp 11,6 lần cùng kỳ. Đây đồng thời là kết quả cao nhất của doanh nghiệp kể từ khi thành lập.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tổng công ty Sông Đà đạt 2.443 tỷ đồng, giảm 17% song lợi nhuận sau thuế đạt 1.086 tỷ, gấp 11,3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, trên cơ sở tái cấu trúc doanh nghiệp, Tổng công ty Sông Đà đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 là 6.830 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 418 tỷ. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được 36% kế hoạch doanh thu và vượt gấp 2 lần chỉ tiêu lợi nhuận.
Tổng tài sản của Sông Đà tính đến cuối tháng 6 là 25.565 tỷ đồng, tăng khoảng 1.100 tỷ so với đầu năm, trong đó lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng lên tới hơn 4.700 tỷ so với 548 tỷ ngày đầu năm, chiếm gần 1/5 tổng tài sản.
Cùng lúc, các khoản đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận giảm hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu do đã hoàn tất thoái vốn tại SJS nói trên và hai công ty khác.
Các khoản phải thu ngắn hạn còn 5.687 tỷ đồng, giảm 1.758 tỷ đồng, do đã trích lập hơn 1.866 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi. Khoản mục này không được thuyết minh cụ thể.
Dù có lượng tiền nhàn rỗi hơn 4.700 tỷ đồng nhưng tính đến cuối tháng 6, tổng công ty đi vay tới hơn 9.600 tỷ đồng, đa số là vay từ ngân hàng. Trong 6 tháng qua, công ty đã phải trả gần 313 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Sông Đà tính đến cuối quý II là 8.313 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 4.495 tỷ, và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.568 tỷ đồng.
Tổng công ty Sông Đà là nhà thầu chính của hầu hết các dự án thủy điện tại Việt Nam, như thủy điện Sơn La (2.400 MW) – dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) – dự án nhà máy thủy điện ngầm của Việt Nam, thủy điện Lai Châu (1.200 MW), thủy điện Huội Quảng (520 MW)… và là nhà thầu EPC của một số dự án khác như Tuyên Quang (324 MW), Sesan 3 (260 MW)…