“Dự đoán của chúng tôi là vào đầu tháng 6 tới, chúng ta sẽ không thể trả các hóa đơn của mình nếu Quốc hội không nâng trần nợ công, và đó là điều tôi thúc giục mạnh mẽ Quốc hội phải làm”, bà Yellen nói trong chương trình “This Week” của ABC .
Bà Yellen khẳng định, Mỹ đã dùng đến “những biện pháp đặc biệt” để tránh vỡ nợ, và đó không phải những điều mà Bộ Tài chính có thể tiếp tục làm. Bà cho rằng Quốc hội cần hành động để tránh “thảm họa kinh tế”.
“Có một sự đồng ý rộng rãi rằng hỗn loạn kinh tế và tài chính sẽ xảy ra”, bà Yellen nói.
Các nghị sĩ Mỹ đang cố gắng tìm ra cách nâng hoặc tạm đình chỉ trần nợ công, để Mỹ có thể kịp thanh toán nợ. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc, đặt ra nguy cơ vỡ nợ.
Bà Yellen kêu gọi phải hành động quyết liệt và nhanh chóng.
Tổng thống Joe Biden mời “bộ tứ” quyền lực nhất trong Quốc hội, gồm lãnh đạo đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries đến dự cuộc họp ngày 9/5 tại Nhà Trắng để bàn về trần nợ, một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Hậu quả nghiêm trọng
Theo các nhà kinh tế học, nếu Mỹ vỡ nợ, Washington sẽ tuyên bố không còn khả năng trả nợ, gây hỗn loạn cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Kể cả không vỡ nợ, việc chạm trần nợ công cũng khiến chính phủ không còn tiền để chi cho nhiều hoạt động cần thiết, như quốc phòng, y tế và an sinh xã hội.
Những hậu quả khác bao gồm bị hạ cấp xếp hạng tín dụng, làm tăng chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp và cá nhân, suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, gây hỗn loạn trên thị trường tài chính và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs ước tính, việc phá vỡ trần nợ sẽ ngay lập tức dừng 1/10 hoạt động kinh tế của Mỹ.
Theo viện nghiên cứu Third Way, việc phá vỡ trần nợ công dẫn đến vỡ nợ sẽ làm mất 3 triệu việc làm.