Cơ sở thu hút dòng tiền từ khối ngoại là vẫn còn
Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán tháng 5 mới công bố, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết khối ngoại trở lại bán ròng trong tháng 4 với giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 2.900 tỷ đồng sau khi mua ròng hơn 2.700 tỷ đồng trong tháng 3.
Cụ thể ở tháng qua, dòng tiền tập trung bán STB (757,1 tỷ đồng), MSN (276,3 tỷ đồng) và DGW (217,4 tỷ đồng). Ngược lại, mua ròng mạnh tại HSG (693,2 tỷ đồng), VHM (545,4 tỷ đồng) và POW (504,9 tỷ đồng).
Tuy nhiên tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm trong tháng qua. Cụ thể, tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Thương mại với đại diện là Vietcombank giảm 0,67% từ đầu năm đến nay và tỷ giá trên thị trường tự do giảm 1,55%. Bên cạnh đó, nỗi lo về hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục nóng lên khi các ngân hàng hàng tầm trung tại đây như PacWest, Western Alliance… bị bán tháo mạnh trong những phiên giao dịch đầu tháng 5.
Trước đó đã có 4 ngân hàng của Mỹ phá sản trong năm nay là First Republic, Silvergate Capital, Silicon Valley và Signature Bank. Diễn biến này được kỳ vọng sẽ tiếp tục khiến đồng Bạc Xanh suy yếu trong thời gian tới, qua đó giúp ổn định tỷ giá USD/VND để tạo điều kiện thu hút dòng vốn của khối ngoại.
TPS đưa ra ba kịch bản VN-Index tháng 5
Sau giai đoạn tăng điểm đầy tích cực trong tháng trước đó nhờ các chính sách mới được ban hành, sự hưng phấn nơi nhà đầu tư đã suy giảm đáng kể khi các chính sách này vẫn cần thêm thời gian thẩm thấu vào nền kinh tế. Do đó, chỉ số chung đã liên tục điều chỉnh kể từ đầu tháng 4 và xuyên thủng vùng hỗ trợ quan trọng 1.050 - 1.060 điểm để tìm về các vùng cân bằng khác.
Chứng khoán Tiên Phong đưa ra ba kịch bản cho thị trường trong tháng 5, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ trở lại trên vùng hỗ trợ 1.050 - 1.060 điểm (nơi có sự hội tụ của các đường MA quan trọng là SMA 20, 50 và 100 ngày) để hướng đến đường SMA 200 ngày (quanh mức 1.100 điểm).
Trong kịch bản trung lập, VN-Index sẽ biến động sideway với kháng cự là vùng hỗ trợ đã bị vượt qua (1.050 - 1.060 điểm) và hỗ trợ là vùng đáy tháng 2 và 3 năm nay (quanh mức 1.020 điểm).
Ở kịch bản tiêu cực, nếu chỉ số xuyên thủng mức 1.020 điểm, khả năng cao chỉ số sẽ tìm về mức 1.000 điểm. Trong lịch sử, đây là mức tâm lý quan trọng sẽ có tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Do đó, TPS kỳ vọng đây sẽ là chốt chặn đáng tin cậy trong trường hợp thị trường đi vào kịch bản kém khả quan nhất trong tháng 5.
Về P/E trailing của VN-Index hiện ở quanh mức 12,3 lần, thấp hơn nhiều so với mức P/E trung bình 5 năm là 15,x nhưng đã tăng hơn so với mức định giá 11,x trong giai đoạn tháng trước. Việc kết quả sản xuất kinh doanh quý I và triển vọng cả năm được công bố của các doanh nghiệp niêm yết kém lạc quan hơn dự báo.
Cùng với đó, chỉ số PMI tháng 4 tiếp tục suy yếu cùng xuất nhập khẩu sụt giảm đang cho thấy bức tranh xám màu trong hoạt động của các doanh nghiệp, qua đó kéo giảm dự báo tăng trưởng thị trường của TPS và làm định giá thị trường trở nên kém hấp dẫn hơn.
Cho cả năm 2023, TPS đánh giá tăng trưởng EPS của toàn thị trường trong kịch bản tích cực dự kiến khoảng 8% và mức P/E forward định giá hiện tại tương đương 10,x.