Mưa bất thường sẽ còn tiếp diễn
Sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt, không khí oi bức khó chịu thì với nhiều người trận mưa như trút nước ngày 10.5 vừa qua là mốc đánh dấu Nam bộ bước vào mùa mưa.
Tuy nhiên, Th.S Lê Đình Quyết, đại diện Đài khí tượng thủy văn Nam bộ và Tây nguyên, cho biết: Mùa mưa năm nay hơi dị thường so với các năm trước. Một số nơi ở khu vực nam sông Hậu đã vào mùa mưa từ ngày 17 - 18.4 nhưng nhiều nơi đến thời điểm này lại chưa bắt đầu. Thậm chí ngay trong một tỉnh thì có nơi đã vào mùa mưa và có nơi vẫn chưa.
Cụ thể như ở TP.HCM, một số nơi như Bình Chánh, Hóc Môn, TP.Thủ Đức đã vào mùa mưa nhưng các nơi khác vẫn chưa. Thời gian chênh lệch giữa các địa phương lên tới khoảng 3 tuần, thậm chí cả tháng trong khi thông thường mùa mưa bắt đầu gần như đồng loạt giữa các địa phương, chênh lệch nếu có cũng chỉ khoảng 1 tuần đến 10 ngày. "Sự khác thường của mùa mưa năm nay có thể giải thích là do sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các hiện tượng cực đoan cũng như những trận mưa lớn dị thường như vừa qua sẽ còn tiếp diễn", ông Quyết nói.

Người dân TP.HCM hứng trận mưa lớn bất thường trong ngày 10.5
ẢNH: Phạm Hữu
Sự dị thường nằm ở vị trí và hình thế trục của rãnh áp thấp hướng tây bắc - đông nam. Thông thường, trục của rãnh áp thấp nằm theo phương ngang và song song với vĩ tuyến, vắt ngang Nam bộ; nhưng rãnh áp thấp hiện tại lại gần như dựng đứng và song song với kinh tuyến, rất ít khi xuất hiện. "Dĩ nhiên không phải vì trục của nó thẳng đứng nên gây ra mưa lớn, nhưng đây là dấu hiệu về sự khác thường của thời tiết", ông Quyết giải thích.
Theo chuyên gia này, những trận mưa to kèm theo giông, sét, lốc xoáy, mưa đá... thường xuất hiện vào đầu và cuối mùa mưa do chênh lệch nhiệt độ cao, nhưng mưa thường xuất hiện cục bộ và thời gian ngắn, còn mưa lớn như vừa rồi là rất hiếm gặp. Tuy nhiên, do tác động của BĐKH nên những hiện tượng thời tiết cực đoan như vừa rồi hoàn toàn có khả năng lặp lại. Đặc biệt, ảnh hưởng của mưa lớn ngày 10.5 và những hình thế gây mưa vẫn tồn tại nên khu vực Nam bộ trong những ngày tới từ sáng đến trưa trời nhiều mây, có mưa trên diện rộng, nhiều nơi xuất hiện mưa vừa, mưa to, nhưng từ chiều đến đêm, mưa giảm hẳn. Tại TP.HCM và các tỉnh Nam bộ, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 29 - 32 độ C.
Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, phân tích thêm: Do BĐKH nên những hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn. Thường thì vào đầu mỗi mùa mưa sẽ có 1 - 2 trận mưa lớn; nhưng thường xuất hiện cục bộ một vài nơi. Còn mưa trên diện rộng gần như cả Nam bộ như vừa rồi là đặc biệt hiếm, nhất là có nơi ghi nhận lượng mưa trên 200 mm. Cũng có thể tạm xem trận mưa này đánh dấu bắt đầu mùa mưa ở Nam bộ và Tây nguyên, dù vẫn còn một số nơi chưa thực sự bắt đầu.

Nhiều nơi ở TP.HCM ngập nặng, tài sản thiệt hại vì mưa lớn
ẢNH: Phạm Hữu
La Nina sắp trở lại, mưa bão khó đoán
Theo các chuyên gia, từ nay tới cuối tháng 5, các hình thái thời tiết còn diễn biến phức tạp, có sự xáo trộn lớn. Thời điểm này, nền nhiệt độ không khí còn khá cao, một số ngày đầu giờ chiều nắng nóng vẫn xuất hiện. Cụ thể trong 10 ngày tới, các hình thế gây mưa cho Nam bộ và Tây nguyên đang suy yếu nên giảm mưa và nắng có xu hướng gia tăng trở lại. Đặc biệt do không khí lạnh cuối mùa ở phía bắc tràn về khiến gió tây nam suy yếu và chuyển sang gió đông, mưa lớn không còn xuất hiện trên diện rộng ở Nam bộ mà chỉ có mưa giông rải rác. Sự thay đổi liên tục của các hình thái thời tiết và nhiệt độ kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, sét, mưa đá, gió giật mạnh xuất hiện thường xuyên, người dân cần lưu ý và chủ động phòng tránh.
Bà Lê Thị Xuân Lan dự báo không khí lạnh tồn tại một vài ngày và suy yếu, sau đó gió tây nam xuất hiện trở lại từ tầng thấp lên cả tầng cao và mạnh dần đều. Sự phát triển của gió tây nam còn được kích thích bởi một cơn bão ở phía đông của Philippines. Khoảng ngày 19.5, gió tây nam bắt đầu hoạt động đều, ổn định liên tục và trở thành gió mùa tây nam; khi đó, toàn khu vực sẽ xuất hiện kiểu thời tiết đặc trưng của mùa mưa là sáng nắng chiều mưa. Nhờ thời tiết ổn định và mưa liên tục nên nhiệt độ cũng giảm thêm một vài độ so với hiện tại và cảm giác nóng bức không còn. "Trong giai đoạn cuối tháng 5 có thể xuất hiện một số trận mưa lớn trên diện rộng. Bước vào tháng 6 sẽ có một số ngày nắng nóng và xuất hiện "hạn bà chằn" cục bộ một số nơi. Sau đó, trong tháng 7 mưa sẽ đều và ổn định hơn", bà Lan thông tin.
Theo bà Lan, các mô hình dự báo khí hậu lớn trên thế giới đều cho rằng pha lạnh - La Nina đã suy yếu từ cuối tháng 4 và từ đầu tháng 5 đã trở về trạng thái trung tính. Trạng thái này sẽ kéo dài đến khoảng cuối tháng 9 và sau đó chuyển dần trở lại pha lạnh La Nina vào tháng 11.2025. Xác suất La Nina quay trở lại là 45% trong khi khả năng chuyển sang El Nino chỉ có 15%. Nếu thực tế xảy ra đúng như dự báo thì La Nina trở lại đúng vào giai đoạn cuối mùa mưa bão, nên nó có thể kéo dài hơn bình thường. Vào cuối mùa, các cơn bão sẽ phức tạp, khó đoán hơn. Đầu mùa, bão thường ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc và Trung, bão cuối mùa ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh miền Nam. "Do vậy, có khả năng mùa mưa bão năm nay ở Nam bộ kéo dài và phức tạp hơn bình thường. Tuy nhiên, do tác động của BĐKH nên các dự báo dài hạn là rất khó chuẩn xác và phải được cập nhật thường xuyên", bà Lan giải thích.
Thông thường các giai đoạn La Nina và El Nino xen kẽ nhau và giữa là thời gian trung tính - chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong quá khứ cũng đã xuất hiện La Nina nối tiếp La Nina. Cụ thể như tháng 10.1998 La Nina xuất hiện sau đó suy yếu chuyển sang trung tính rồi quay trở lại La Nina, kéo dài đến năm 2001 và là một đợt La Nina mạnh. Do đó, khả năng La Nina quay trở lại trong năm 2025 không phải lần đầu. BĐKH làm cho các thời kỳ La Nina và El Nino bất thường hơn qua các biểu hiện như tính chu kỳ không ổn định, thời gian xuất hiện kéo dài, cường độ thay đổi, khiến việc dự báo dài hạn gặp nhiều khó khăn.
Không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung bộ
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin: Đến chiều 11.5, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ trời mát, vùng núi Bắc bộ có nơi trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20 - 23 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 19 độ C. Khu vực Hà Nội trời mát, không mưa. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 21 - 23 độ C.
Trên vùng biển phía bắc của khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8; biển động, sóng cao 2 - 3 m. Dự báo ngày 12.5 gió giảm dần.