Hội đồng quản trị CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex - Mã: LGM) vừa thông qua quyết định tạm ngừng hoạt động sản xuất gia công từ tháng 5 để giảm lỗ, góp phần giảm áp lực tài chính trong thời gian tới.
Phía công ty nhấn mạnh sẽ khôi phục hoạt động sản xuất gia công khi thị trường dệt may phục hồi và nguồn lực đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Tiền thân Legamex là Xí nghiệp Giày da và May mặc Xuất khẩu, được thành lập từ tháng 8/1986 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ chính là sản xuất và gia công giày da, hàng may mặc xuất khẩu.
Doanh nghiệp dệt may này hoạt động ổn định với doanh thu trên trăm tỷ đồng mỗi năm giai đoạn 2007-2016 và có lãi trung bình vài tỷ đồng mỗi năm. Công ty bắt đầu thua lỗ từ 2017 và ngày càng đi xuống.

Legamex liên tục thua lỗ những năm gần đây. Nguồn: Huy Lê tổng hợp.
Nhất là từ năm 2022 khi công ty nhận cú sốc đứt đơn hàng gia công tủ vải cho Gilimex (hệ quả từ vụ kiện giữa Gilimex và Amazon).
Công ty sau đó tập trung chuyển đổi toàn bộ nguồn lực sang gia công may mặc thời trang, dẫn đến năng suất sản xuất thấp, doanh thu không đủ bù lương và các khoản phúc lợi của sản xuất, dẫn đến lợi nhuận gộp âm.
Theo báo cáo đến cuối 2024, công ty còn 202 lao động (giảm so với số đầu năm là 270 người). Khó khăn về lương thưởng, phúc lợi khiến việc giữ chân và tuyển mới lao động đều không đạt kế hoạch. Trang thiết bị sản xuất đa phần đã hơn 10 năm tuổi, không có khả năng đầu tư mới, ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Với việc lỗ liên tiếp 6 năm gần đây, lỗ lũy kế của công ty tiếp tục nâng lên thành con số 166 tỷ đồng, ăn mòn hết vốn chủ sở hữu.
Khó khăn về tài chính buộc công ty tăng vay nợ tài chính lên gần 89 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với đầu năm. Những chủ nợ lớn đều là cá nhân ông Đinh Văn Chiến, ông Nguyễn Thành Quốc và bà Nguyễn Ngọc Minh Thư.
Trong khi sản xuất đình trệ, dự án bất động sản Lega Fashion House, một trong những kỳ vọng giúp cải thiện tài chính của Legamex cũng bị treo vì vướng mắc pháp lý nhiều năm chưa thể giải quyết.
Cơ cấu cổ đông cũng có nhiều biến động. Công ty TNHH Dệt may và Thương mại Hà Nam trở thành tay chơi mới khi mua vào 72,67% cổ phần để trở thành công ty mẹ. Ngược lại, cổ đông lớn Dệt may Gia Định đã thoái toàn bộ 25,5% vốn.
Công ty được cổ phần hóa và giao dịch tại UPCOM từ năm 2019. Cổ phiếu LGM hiện đang trong diện cảnh báo và hạn chế giao dịch, hiện đứng tại mức 12.200 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản hạn chế vào thứ Sáu hàng tuần. Giá trị vốn hóa doanh nghiệp còn khoảng 144 tỷ đồng.