Doanh nhân

Video 18 tiếng ở "công ty địa ngục" Nhật Bản gây sốc

Video của tài khoản YouTube có tên là Salaryman Tokyo quay cảnh một nhân viên văn phòng bắt đầu ngày mới lúc 7h và trở về nhà sau 22h45, đi ngủ lúc 1h15 sáng đã phơi bày thực tế khắc nghiệt tại các "black company" (công ty bóc lột) ở đất nước mặt trời mọc.

"Black company" là thuật ngữ chỉ những doanh nghiệp có môi trường làm việc tệ hại, thường nhắm vào sinh viên mới tốt nghiệp, thiếu kinh nghiệm.

Trong video, nhân vật chính rời nhà lúc 7h16 với tâm trạng "không muốn đi làm chút nào". Sau 90 phút di chuyển, anh đến văn phòng lúc 8h53, bắt đầu làm việc từ 9h đến 13h, chỉ nghỉ giải lao uống cà phê và tự nhủ "cần phải nhanh lên".

Nhân vật trong video cho biết, nhiều "black company" còn làm nhục nhân viên muốn nghỉ việc, sử dụng chiến thuật áp lực nhóm hoặc gọi họ là kẻ phản bội.

Nhân vật chính trong video rời nhà lúc 7h16 với tâm trạng "không muốn đi làm chút nào". Ảnh: Salaryman Tokyo

Nhân vật chính trong video rời nhà lúc 7h16 với tâm trạng "không muốn đi làm chút nào". Ảnh: Salaryman Tokyo

Sau 45 phút nghỉ trưa, anh làm việc thêm 6 tiếng, rời công sở lúc 20h15 trong trạng thái "quá kiệt sức". "Làm việc nhiều giờ không năng suất chút nào. Nghe nói Nhật Bản đang triển khai tuần làm 4 ngày. Chắc chỉ là tin đồn thôi", anh nói trong video. Về đến nhà lúc 22h45, anh nấu bữa tối lúc 23h30 và kết thúc một ngày dài vào 1h15 sáng.

Video đã nhận về vô số bình luận bày tỏ sự kinh ngạc. "Con người vốn không được tạo ra để sống như thế này", một người viết. Khán giả khác chỉ ra nghịch lý: "Du khách: Nhật Bản thật tuyệt vời. Công dân Nhật Bản: Cuộc sống là địa ngục." Nhiều người liên hệ lịch làm việc này với tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản: "Thử tưởng tượng việc cố gắng nuôi dạy một đứa trẻ đàng hoàng... với sự cân bằng công việc/cuộc sống thế này đi".

Văn hóa làm việc quá sức không mới ở Nhật Bản. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này ghi nhận nhân viên nhiều lĩnh vực báo cáo giờ làm khắc nghiệt, áp lực từ cấp trên.

Giáo sư Hiroshi Ono, Đại học Hitotsubashi, lý giải xã hội Nhật Bản mang tính tập thể và phân cấp cao. Nhiều người không dám nghỉ phép vì chính sếp cũng không nghỉ, hoặc họ sợ làm xáo trộn sự hòa hợp của tập thể.

Nhiều lao động Nhật Bản bị kiệt sức khi bị ép làm việc quá mức. Ảnh minh họa: EAF

Nhiều lao động Nhật Bản bị kiệt sức khi bị ép làm việc quá mức. Ảnh minh họa: EAF

Thực trạng này phổ biến đến mức có thuật ngữ riêng là "karoshi" (chết vì làm việc quá sức), với nguyên nhân thường là đột quỵ, đau tim hoặc tự tử do căng thẳng. Dù không chỉ xảy ra ở Nhật - nghiên cứu của WHO và ILO năm 2021 - cho thấy 750.000 người toàn cầu chết vì làm việc trên 55 giờ mỗi tuần. Hiện một số vụ "karoshi" tại Nhật vẫn gây chấn động.

Năm 2022, bác sĩ Takashima Shingo, 26 tuổi, ở Kobe, tự tử sau khi làm việc hơn 100 ngày liên tục, với 207 giờ làm thêm trong tháng cuối đời. Gia đình anh kêu gọi cải cách. Mẹ anh, bà Junko Takashima, kể con trai thường nói "quá khó khăn", "không ai giúp đỡ" và bà tin "môi trường làm việc đã đẩy thằng bé đến bước đường cùng." Bà hy vọng bi kịch này sẽ thúc đẩy cải thiện môi trường làm việc cho bác sĩ.

Các tin khác