
The Guardian cho biết, nhờ đột phá trong công nghệ khai thác và việc dỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu, Mỹ đã vươn lên trở thành quốc gia khai thác, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), năm 2024, sản lượng dầu thô của Mỹ đã vượt mọi quốc gia khác, giữ vững ngôi vị dẫn đầu suốt sáu năm liên tiếp.
Theo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Mỹ hiện xếp thứ 9/10 quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, với ước tính khoảng 68,25 tỷ thùng tính đến năm 2024. Con số này bao gồm cả trữ lượng đã được thăm dò cũng như tiềm năng từ các mỏ dầu trên đất liền và ngoài khơi.
Năm 2023, Mỹ đạt sản lượng trung bình 12,9 triệu thùng dầu/ngày, phá vỡ kỷ lục trước đó do chính mình thiết lập năm 2019 (12,3 triệu thùng/ngày). Riêng trong tháng 12/2023, Mỹ tiếp tục gây lập kỷ lục khi chạm mốc kỷ lục mới: hơn 13,3 triệu thùng/ngày – một thành tích chưa từng có quốc gia nào đạt được. Trong khi đó, Saudi Aramco buộc phải hủy kế hoạch nâng công suất lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027, càng làm nổi bật vị thế vượt trội của Mỹ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Cùng với Nga và Arab Saudi, Mỹ chiếm gần 40% tổng sản lượng dầu thế giới trong năm 2023, với tổng cộng 32,8 triệu thùng/ngày. Ba cường quốc dầu mỏ này đã luân phiên nhau thống trị thị trường từ năm 1971. Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự xảy ra vào năm 2015, khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô kéo dài 40 năm, mở đường bứt phá ngoạn mục, vượt qua cả UAE và Kuwait để trở thành cường quốc xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Cũng trong năm 2023, Mỹ khai thác khoảng 20% tổng sản lượng dầu toàn cầu. Sản lượng khí đốt tự nhiên của nước này cũng tăng 50% trong vòng một thập kỷ, đưa Mỹ lên vị trí số một thế giới. Trong suốt sáu năm qua, chưa có quốc gia nào khai thác nhiều dầu và khí đốt như Mỹ – thành tựu này phần lớn nhờ vào công nghệ thủy lực cắt phá (fracking) đột phá trong khai thác dầu đá phiến.
Viện Phát triển Bền vững Quốc tế (IISD) cho biết, các nước giàu nhất thế giới như Mỹ, Anh, Canada, Australia và Na Uy đang dần trở thành các "quốc gia dầu mỏ mới" khi dẫn đầu làn sóng mở rộng sản xuất, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Với Mỹ, công nghệ khoan dầu khí tiên tiến góp phần quan trọng vào việc gia tăng sản lượng khí đốt của quốc gia này. Theo Tạp chí World Journal of Advanced Research and Reviews (WJARR), thập kỷ qua đã ghi dấu những bước tiến vượt bậc trong công nghệ khoan ngoài khơi tại Hoa Kỳ – từ hệ thống giàn khoan hiện đại, cảm biến thông minh cho đến tự động hóa và phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Những đổi mới này đã tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu suất vận hành, an toàn lao động và tính bền vững môi trường của ngành dầu khí Mỹ.
Nổi bật nhất là sự cải tiến của giàn khoan hiện đại với khả năng tự động hóa cao và tích hợp cảm biến thông minh, giúp tối ưu hóa độ chính xác và hiệu quả trong quá trình khoan. Công nghệ phân tích dữ liệu theo thời gian thực cho phép các kỹ sư giám sát và xử lý thông tin ngay trong quá trình vận hành, từ đó đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn.
Những tiến bộ này đã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt: tốc độ khoan được đẩy nhanh, thời gian ngừng hoạt động được rút ngắn, và hiệu suất tổng thể của toàn bộ hệ thống được cải thiện đáng kể. Dữ liệu trực tiếp cũng cung cấp những phân tích chuyên sâu giúp tinh chỉnh quá trình khai thác theo hướng tối ưu nhất.
Đồng thời, công nghệ khoan dầu khí trên đất liền cũng đang chứng kiến những thay đổi mang tính cách mạng. Từ các địa tầng đá phiến, sa thạch đến đá vôi, quy trình khai thác nay được hiện đại hóa nhờ sự tham gia của tự động hóa và robot. Những hệ thống khoan tự động tiên tiến sử dụng cảm biến hiện đại và thuật toán thông minh, cho phép điều chỉnh các thông số theo thời gian thực để tối ưu hóa hiệu suất. Giàn khoan không người lái và cánh tay robot đã thay đổi cuộc chơi, vừa tăng năng suất vừa giảm thiểu rủi ro cho con người.
Công nghệ robot không chỉ giúp rút ngắn thời gian ngừng hoạt động mà còn giảm sự can thiệp của con người vào những môi trường nguy hiểm. Nhờ dữ liệu và giám sát liên tục, các sự cố có thể được phát hiện và khắc phục kịp thời, đảm bảo quy trình khoan diễn ra trơn tru và hiệu quả. Bên cạnh đó, công nghệ bản sao số (digital twin) và mô hình hóa ảo cho phép mô phỏng toàn bộ quy trình khoan – từ thiết kế giếng đến triển khai thực tế – giúp nhà vận hành tối ưu hoá mọi khâu trước khi đưa vào ứng dụng.