Vừa qua, công ty bảo hiểm A đã chi trả quyền lợi cho khách hàng vay vốn tại ngân hàng có tham gia bảo hiểm không may gặp rủi ro.
Cụ thể, khách hàng được chi trả là gia đình ông Vũ Kiên Định (sinh năm 1984), địa chỉ thôn Bình Ca, xã Lâm Ca, huyện Đình Lập. Trước đó, tháng 8/2024, gia đình ông Định có vay vốn tại ngân hàng số tiền 100 triệu đồng để phục vụ sản xuất. Được cán bộ ngân hàng tư vấn, ông đã tham gia bảo hiểm Bảo an tín dụng với mức phí bảo hiểm 295 nghìn đồng/năm.
Đến tháng 12/2024, ông không may tử vong do tai nạn giao thông. Ngay sau khi hoàn tất thủ tục, công ty A tiến hành chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình ông Định với số tiền trên 83,8 triệu đồng (theo quy định chi trả của công ty).
Bảo hiểm khoản vay là gì?
Bảo hiểm khoản vay hay bảo hiểm tín dụng là sản phẩm quen thuộc trên thị trường. Các sản phẩm này bảo vệ khách hàng bằng cách chi trả số dư nợ vay (toàn bộ hoặc một phần) cho ngân hàng nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm (tử vong, thương tật vĩnh viễn, mất khả năng lao động). Điều này giúp giảm gánh nặng tài chính cho gia đình khách hàng và đảm bảo chất lượng tín dụng cho ngân hàng.
Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2024), việc mua bảo hiểm khoản vay là tự nguyện, không được gắn bắt buộc với khoản vay. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng thường khuyến khích tham gia.
Trên thị trường có nhiều loại hình bảo hiểm khoản vay được cung cấp nhằm đảm bảo sự an toàn cho các giao dịch tài chính và giảm thiểu rủi ro cho các bên liên quan.
Đối với bảo hiểm khoản vay thế chấp: Khi vay thế chấp, người vay có kèm theo tài sản đảm bảo. Khi được ngân hàng/ tổ chức tài chính chấp thuận, giấy tờ chứng minh sỡ hữu tài sản sẽ bị giữ lại nhưng tài sản vẫn thuộc về người vay. Trường hợp nếu người vay không có khả năng chi trả số tiền đã vay, tài sản thế chấp sẽ thuộc về ngân hàng/ tổ chức tài chính cho vay.
Tuy nhiên, nếu người vay đã mua bảo hiểm khoản vay thế chấp và gặp sự cố không thể trả nợ, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chi trả các khoản vay này nhằm đảm bảo khách hàng không bị mất tài sản thế chấp.
Đối với Bảo hiểm khoản vay tín chấp: Mua bảo hiểm khoản vay tín chấp đồng nghĩa với việc người vay mua thêm gói bảo hiểm thân thể. Điều này giúp hạn chế thiệt hại đối với bên cho vay trong trường hợp người vay gặp sự cố dẫn đến mất khả năng thanh toán thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chi trả "món nợ" này.
Chính sách bảo hiểm khoản vay ở từng công ty sẽ có sự khác biệt về quyền lợi, mức phí,…
Những điều cần lưu ý khi tham gia bảo hiểm khoản vay
Tìm hiểu kỹ điều khoản: Đọc kỹ hợp đồng để hiểu các sự kiện được bảo hiểm, trường hợp loại trừ (ví dụ: bệnh có sẵn thường có thời gian chờ 12 tháng), và quyền lợi bổ sung (sức khỏe, đầu tư). Yêu cầu nhân viên ngân hàng, công ty bảo hiểm giải thích rõ ràng.
So sánh phí bảo hiểm: Hiện nay mức phí phổ biến là 0,5–1% số tiền vay mỗi năm hoặc 5–6% toàn kỳ vay. Người mua bảo hiểm chú ý cách tính phí (một lần hay định kỳ) và tổng chi phí để tránh bất ngờ.
Chất lượng tư vấn: Thời gian qua, một số ngân hàng và công ty bảo hiểm đã bị phản ánh về tư vấn không minh bạch hoặc "chèo kéo" mua bảo hiểm. Nếu không muốn tham gia, khách hàng có quyền từ chối, theo quy định pháp luật.
Đánh giá nhu cầu: Bảo hiểm khoản vay đặc biệt phù hợp với khách hàng có rủi ro cao (người lớn tuổi, làm việc nguy hiểm, hoặc vay số tiền lớn). Nếu vay ngắn hạn hoặc số tiền nhỏ, cân nhắc xem bảo hiểm có thực sự cần thiết.
Quy trình bồi thường: Kiểm tra quy trình yêu cầu bồi thường, bao gồm hồ sơ cần chuẩn bị (giấy chứng tử, giấy khám bệnh, hợp đồng vay). Các công ty uy tín thường xử lý nhanh, nhưng cần phối hợp chặt chẽ với ngân hàng. Tuy nhiên, thông thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ do ngân hàng chỉ định nhằm đảm bảo các tiêu chí được đưa ra bởi chính ngân hàng đó.
Phí bảo hiểm khoản vay có được trả lại không?
Đây là vấn đề rất nhiều người thắc mắc khi tham gia bảo hiểm khoản vay: "Sau khi thanh toán tất cả khoản nợ thì phí bảo hiểm khoản vay có được trả lại không?".
Việc hoàn phí bảo hiểm khoản vay có thể xảy ra khi người vay quyết định tất toán khoản vay trước thời hạn hoặc không còn nhu cầu bảo hiểm. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều được hoàn phí, và điều này phụ thuộc vào chính sách của công ty bảo hiểm cũng như điều khoản trong hợp đồng.
Tỷ lệ hoàn trả thường được tính dựa trên số thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ, nếu người vay tất toán khoản vay sau khi sử dụng 50% thời gian bảo hiểm, họ có thể được hoàn lại 50% số phí bảo hiểm đã đóng. Tuy nhiên, một số công ty bảo hiểm có thể áp dụng các mức phí xử lý, làm giảm tỷ lệ hoàn trả.
Ngoài ra trường hợp phí bảo hiểm khoản vay không được hoàn trả lại là khi người vay gặp rủi ro như tai nạn, nằm viện, thất nghiệp, mất khả năng lao động... nên không thể thanh toán khoản vay.