Theo phương án quy hoạch cầu kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai được Sở Xây dựng báo cáo UBND TP trước đây, cầu Phú Mỹ 2 kết nối khu nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Bình đồ hướng tuyến cầu Phú Mỹ 2 theo phương án quy hoạch
Hướng tuyến từ sông Đồng Nai đi theo đường Hoàng Quốc Việt (6 làn xe) và kết nối 2 làn xe vào đường Đào Trí (quận 7), đi theo đường Hoàng Quốc Việt kết nối nhánh rẽ với đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7). Sau đó, tiếp tục kết nối vào đường Nguyễn Hữu Thọ. Đoạn từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Nguyễn Hữu Thọ có quy mô 4 làn xe.
Vị trí giao cắt với đường Nguyễn Hữu Thọ đề xuất bố trí nút giao khác mức (dự kiến phần tuyến chính đường Nguyễn Hữu Thọ đi trên cao) để hạn chế ảnh hưởng đến các đồ án quy hoạch.
Trao đổi với Báo Thanh Niên chiều 19.5, ông Vương Quang Hưng, Trưởng phòng Phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ - Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết khảo sát thực tế, cơ quan chuyên môn nhận thấy mặt đường Hoàng Quốc Việt (quận 7) có lộ giới quy hoạch nhỏ, chỉ 30m, hai bên mặt đường đã xây dựng đúng theo quy hoạch nên nếu triển khai theo phương án dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng sẽ gặp nhiều thách thức.
Do đó, Sở Xây dựng đãng nghiên cứu áp dụng giải pháp xây dựng đường nhiều tầng tại một số đoạn nhằm đảm bảo tăng năng lực lưu thông, đồng thời tiết kiệm chi phí giải tỏa mặt bằng và hạn chế phải di dời làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Nghiên cứu sơ bộ, hướng tuyến dự án cầu đường Phú Mỹ 2 bắt đầu tại đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo hướng đông, kết nối vào đường Hoàng Quốc Việt đến đường Đào Trí, vượt sông Đồng Nai và kết nối với đường Liên Cảng rồi kết nối vào đường 25C (Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Dự án có chiều dài khoảng 16,7km, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 21.484 tỉ đồng. Đây là tuyến đường chiến lược, nằm trong mạng lưới 10 tuyến đường trục chính tốc độ nhanh (ít gián đoạn, ít giao cắt) kết nối trung tâm với đường liên vùng.
Theo ông Vương Quang Hưng, tuy giải pháp này chưa được thực hiện tại TP.HCM nhưng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng triển khai nhằm tối ưu hóa quỹ đất đô thị, điển hình là Trung Quốc. Không chỉ cầu đường Phú Mỹ 2, TP.HCM chủ trương sẽ nghiên cứu áp dụng mô hình hạ tầng này tại một số dự án mở rộng hoặc xây mới cầu đường trong khu đô thị hiện hữu.
Riêng với dự án cầu đường Phú Mỹ 2, TP.HCM và Đồng NAu dự kiến thành lập ban chỉ đạo nhanh chóng nghiên cứu, trình phương án xây dựng công trình này đồng bộ với phương án làm cầu Cát Lái và cầu Đồng Nai 2 để tăng cường kết nối giữa 2 địa phương.