Tại sao bạn kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn không giàu nổi?
Chia sẻ với CNBC , các chuyên gia tài chính cho biết nguyên nhân đến từ 1 thói quen phổ biến, đó là “bội chi”. Từ kinh nghiệm làm việc, các chuyên gia từng ngỡ ngàng khi phát hiện khách hàng chi hàng triệu USD cho tiền trang sức, bất chấp còn nhiều gánh nặng tài chính khác họ cần mang trên vai.
Theo các chuyên gia tài chính, những cám dỗ chi tiêu quá mức có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bất kể thu nhập của họ ra sao. Thường xuyên “bội chi”, “sống quá khả năng chi tiêu” là nguyên nhân khiến những người trúng xổ số thường nhanh chóng phá sản dù nhận món tiền khổng lồ.
“Khi trúng xổ số, họ lầm tưởng mình đã thành công và giàu có. Tuy nhiên, họ không nhận ra sự khác biệt giữa người giàu thực sự và người bỗng nhiên giàu có” - một vị chuyên gia tài chính cho biết. Cũng vì ảo tưởng độ dư dả của bản thân, họ tiêu tiền như một tỷ phú và kết cục là lâm vào cảnh nợ nần.
Ảnh minh họa
Các chuyên gia cho rằng, không nên thấy xấu hổ khi chi tiền để tài trợ cho hạnh phúc, hiện tại hay tương lai. Tuy nhiên, sẽ thật tệ nếu bạn chi tiêu ảnh hưởng đến quỹ tiết kiệm và khả năng đạt được các mục tiêu khác của cuộc sống.
Không chỉ cho các khoản tiêu dùng cá nhân, “bội chi” có thể ảnh hưởng tài chính nặng nề kể cả khi bạn đầu tư cho tài sản lớn, đơn cử như mua nhà. Nếu mua quá nhiều nhà hoặc vay ngân hàng số tiền quá lớn, các kế hoạch tài chính khác của bạn có thể bị ảnh hưởng.
Cathy Curtis - một chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân cho biết, một khách hàng của bà từng liên tiếp bỏ lỡ các cơ hội mua nhà. Để khắc phục sự nuối tiếc này, họ đã nghe theo lời khuyên từ môi giới bất động sản để mua căn hộ đắt đỏ.
Thời gian sau đó, khoản vay nợ ngân hàng hàng tháng, kết hợp với nhiều chi phí phát sinh khiến khách hàng luôn trong tình trạng thiếu tốn tiền bạc. Đỉnh điểm là khi anh chồng mất việc, khiến người vợ phải tiêu hết tài sản thừa kế của mình.
Chấp nhận mang gánh nặng rủi ro như vậy đối với bất động sản có thể là một canh bạc. Cathy Curtis nói thêm, điều may mắn với khách hàng là hầu hết bất động sản đều có xu hướng tăng giá theo thời gian, do đó đây vẫn có thể là khoản đầu tư tốt. Tuy nhiên, cái giá cần trả sẽ nhẹ nhàng nếu họ suy nghĩ chuyện mua nhà cẩn thận hơn.
“Mua nhà là một trải nghiệm đầy cảm xúc. Tôi khuyên khách hàng nên kiềm chế cảm xúc của mình và biết rằng sẽ luôn có một ngôi nhà khác phù hợp hơn”,
Ảnh minh họa
Thay đổi từ những điều nhỏ nhất
Tất nhiên, sẽ thật khó khăn để cắt giảm chi tiêu nếu bạn đã luôn quen với “bội chi” ngân sách. Tuy nhiên, tiết kiệm tiền là điều cơ bản để hướng đến nền tảng tài chính khỏe mạnh.
Barry Glassman - nhà lập kế hoạch tài chính, từng yêu cầu khách hàng viết hết các khoản chi tiêu của họ. Nhiều người cho biết thấy sốc vì phát hiện bản thân có những thói quen chi tiêu hoang phí hơn họ tưởng tượng, chẳng hạn như trong chuyện đi ăn ngoài, tặng quà người thân hay du lịch.
“Từ đó, 99% hành vi chi tiêu lãng phí sẽ thay đổi”, ông nhấn mạnh. Vị này cũng cho biết, từ việc ghi chép lại khoản chi, họ được thúc đẩy điều chỉnh thói quen tiêu dùng, chẳng hạn giảm xuống còn ăn 1 bữa theo tháng hoặc tuần, từ đó tạo ra sự khác biệt lớn.
Ivory Johnson - một chuyên gia tài chính khác, cho rằng các khách hàng của ông nhận định, họ chi tiêu quá nhiều sau khi nghỉ hưu lần đầu. Khi đó, họ vừa được nghỉ ngơi sau thời gian dài làm việc vất vả, cũng vừa có một khoản tiền lớn, dẫn đến suy nghĩ “tự thưởng” cho mình xuất hiện.
“Tuy nhiên, tôi đã phải nói với khách hàng rằng hãy lập ngân sách và ghi chép lại các thói quen chi tiêu cho những khoản tiêu dùng. Vì tôi hiểu tác động của nó đối với việc nghỉ hưu của họ”, Ivory Johnson nhấn mạnh.