Báo cáo tài chính hợp nhất được công bố mới đây cho thấy, “ông lớn” ngành bia là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2023 giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 2.246 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của Habeco giảm 13% so với cùng kỳ, xuống còn 542 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng lên 69 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính chỉ mất 1,2 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các loại chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Nhờ vậy, Habeco báo lãi sau thuế gần 64 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt hơn 57 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2023, doanh thu thuần của Habeco đạt 7.757 tỷ đồng, giảm 7% so với 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp giảm mạnh hơn với 17%, chỉ đạt 1.908 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, thuế, lợi nhuận sau thuế của Habeco giảm 30% (tương đương hơn 150 tỷ đồng) so với năm trước, chỉ còn hơn 355 tỷ đồng, trong khi năm 2022 vẫn báo lãi sau thuế 506 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm, Habeco vẫn vượt 5% chỉ tiêu doanh thu và vượt xa 60% kế hoạch lợi nhuận năm.
Lý do lợi nhuận Bia Hà Nội giảm (ảnh minh họa: Internet).
Giải trình về kết quả kinh doanh trên, lãnh đạo Habeco cho biết lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do doanh thu bán hàng sụt giảm. Ngoài ra, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bia, xu hướng tiêu dùng giảm và việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023 là những yếu tố ảnh hưởng khiến lợi nhuận đi lùi được Habeco đưa ra.
Đáng chú ý, năm 2023, Habeco gia tăng khoản chiết khấu thương mại lên 143 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, dù doanh thu giảm. Thông thường, đây là khoản giảm giá hàng niêm yết mà doanh nghiệp ưu tiên cho khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ với số lượng/khối lượng lớn, nhằm khuyến khích người mua mua nhiều hàng hóa hơn.
Cùng đó, khoản chi cho nhân viên năm 2023 của Habeco cũng tăng lên 158 tỷ đồng (tăng 14%). Bù lại, Habeco tiết giảm được 17% chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ, còn 579 tỷ đồng.
Hơn nửa tài sản được gửi ngân hàng
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Habeco ghi nhận đạt gần 7.140 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ghi nhận ở mức 3.889 tỷ đồng, tăng 10% và chiếm 54% tổng tài sản. Khoản tiền này đã mang về cho Habeco 228 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2023.
Bên cạnh đó, giá trị hàng tồn kho ở mức 729 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm; trong đó, nguyên liệu, vật liệu chiếm 42% tỷ trọng, đạt 303 tỷ đồng; chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 108 tỷ đồng; thành phaàm 170 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2023, Habeco đã trích lập hơn 19 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Mặt khác, chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận ở mức gần 41 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và góp vốn vào đơn vị khác đạt hơn 273 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Habeco tại cuối năm 2023 đạt 1.825 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn với gần 1.704 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn đạt hơn 109 tỷ đồng, tăng 15% và công ty ghi nhận mới khoản nợ vay dài hạn hơn 7,6 tỷ đồng.
Cũng tại cuối năm 2023, Habeco có vốn chủ sở hữu đạt 5.313 tỷ đồng, bao gồm 2.318 tỷ đồng vốn điều lệ và hơn 764 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Doanh nghiệp cũng dành khoảng 1.544 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển.
Ở diễn biến liên quan khác, trước đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch thanh tra của Bộ năm 2024, đáng chú ý trong danh sách có Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội. Theo đó, “ông lớn” bia rượu sẽ được thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng vốn; hoạt động sản xuất, kinh doanh; công tác đầu tư, mua sắm, sử dụng tài sản và thực hiện dự án.