Năm 2022, một năm không mấy tươi sáng cho kinh tế toàn cầu, tuy vậy, Sacombank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021, vượt 20% so với kế hoạch năm. Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 1,47% xuống còn 0,98%.
Những thành quả này có được ngoài nhờ vào chiến lược phát triển linh hoạt, còn là tinh thần tiên phong, kiến tạo những giá trị mới mà hành trình số hóa hơn 20 năm của Sacombank là một ví dụ điển hình.
“Áo giáp số” của Sacombank
Những con số trên chưa thể hiện hết hiệu quả về tầm nhìn của ban lãnh đạo, nhân viên Sacombank và việc mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số. Hiện, quy mô khách hàng của Sacombank đạt hơn 15 triệu, trong đó có khoảng 50% khách hàng số. Năm 2022, giao dịch trên Sacombank Pay tăng 140% về số lượng và 127% về giá trị so với năm 2021. Đáng chú ý, tỷ lệ giao dịch thanh toán qua kênh số chiếm 97% tổng số lượng giao dịch – con số ấn tượng đối với Sacombank và thuộc top cao trong các ngân hàng TMCP trên thị trường.
Đây là lúc Sacombank hái những “quả ngọt” đầu tiên từ “hạt giống” số hóa gieo trồng cách đây hàng chục năm, khi Ngân hàng đã định hình từ sớm chiến lược chuyển đổi số phải có 4 yếu tố cốt lõi: Hạ tầng công nghệ; Giải pháp số hóa toàn diện; Sản phẩm - dịch vụ số; Con người và tư duy số. Sacombank không ngừng đầu tư, nâng cấp 4 trụ cột trên với mục tiêu cuối cùng là đem đến trải nghiệm tối ưu cho người dùng.
“Số hóa là động lực để Sacombank ra mắt các sản phẩm dịch vụ hiện đại. Khi nhu cầu về tài chính, thanh toán điện tử của khách hàng được đáp ứng, năng lực cạnh tranh của Ngân hàng tăng lên, từ đó doanh thu, lợi nhuận và uy tín thương hiệu cũng tăng”, ông Trần Thái Bình – Giám đốc Khối Công nghệ thông tin của Sacombank phân tích.
Quyết tâm chuyển đổi số trong mỗi con người Sacombank rất lớn. Ngân hàng thành lập hẳn một Ban Chỉ đạo với người đứng đầu là Chủ tịch, kế tiếp là Phó Chủ Tịch thường trực kiêm Tổng Giám Đốc, đưa vào hoạt động Trung tâm Chuyển đổi số từ năm 2021 với nhiệm vụ thực thi các dự án chuyển đổi số.
Khi lãnh đạo cấp cao trực tiếp điều hành, áp dụng thành quả số hóa vào công việc của mình, rất dễ để “DNA” số được cấy và chảy trong nhịp sống của hơn 18.000 nhân sự. Sacombank cũng khuyến khích nhân sự tìm tòi, đổi mới phương pháp làm việc nhằm đem đến những kết quả sáng tạo, tối ưu bằng những công cụ mới như Design thinking, Agile, Culture hack…
Vài thập kỷ trước, khi nhiều ngân hàng vẫn sử dụng hệ thống lõi của các công ty trong nước, Sacombank đã đầu tư 5 triệu USD mời đối tác nước ngoài xây dựng ngân hàng lõi T24, hệ thống lõi hiện đại nhất lúc bấy giờ. Thời ấy, với một ngân hàng còn non trẻ, đầu tư khoản tiền lớn như thế là quyết định khá táo bạo.
Điều này vẫn chưa đủ trong chiến lược số hóa của Sacombank khi mục tiêu cuối cùng là đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe trong trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. “Lấy khách hàng làm trung tâm thường được hiểu đơn giản là họ cần gì thì chúng tôi đáp ứng điều đấy. Tuy nhiên, ở Sacombank, lấy khách hàng làm trung tâm nghĩa là phải quán chiếu được trải nghiệm của khách hàng, đo được nhu cầu, chạm vào những điểm mà khách hàng mong muốn cải thiện” – ông Bình chia sẻ.
Trên tinh thần đó, ngoài Sacombank Pay ra mắt vào năm 2018, Sacombank triển khai hàng loạt công nghệ tối ưu khác.
Năm 2010, Sacombank ứng dụng công nghệ số tạo ra các kênh giao dịch hiện đại như trung tâm dịch vụ khách hàng, hợp nhất kênh giao dịch trực tuyến Internet Banking và Mobile Banking. Năm 2015, Sacombank tiên phong phát hành và chấp nhận thẻ chuẩn EMV trên máy POS, ATM. Năm 2017, Ngân hàng phát hành thẻ thanh toán không tiếp xúc đầu tiên trên thị trường, triển khai phương thức thanh toán QR chuẩn EMV toàn cầu.
Năm 2019, Sacombank số hoá quy trình phê duyệt tín dụng, nâng cấp ngân hàng lõi T24-R17, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (chatbot), công nghệ Robot (RPA)… Với giao dịch thanh toán trực tuyến, Sacombank áp dụng công nghệ bảo mật mã hóa thông tin thẻ và xác thực giao dịch 3D Secure bảo vệ quyền lợi chủ thẻ. Năm 2020, Sacombank bước đầu vận hành Trung tâm điều hành an ninh mạng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Người đi ngược dòng xu hướng
Để đạt được những thành tựu trên, Sacombank đã đặt những viên gạch đầu tiên cách đây 20 năm. “Khi ấy, Sacombank xác định dữ liệu không chỉ để hỗ trợ công tác vận hành mà còn là nền tảng để thấu hiểu khách hàng. Do vậy, Sacombank quyết tâm xây dựng trung tâm dữ liệu có khả năng bảo mật hàng đầu Việt Nam”, ông Bình nói.
Thời điểm đó, Sacombank là ngân hàng TMCP tại Việt Nam đầu tiên đầu tư xây dựng hệ thống quản lý hạ tầng, công nghệ thông tin mang tính chuyên biệt với quy mô đầu tư lên đến 3 triệu USD. Đây là nền tảng cho việc triển khai chiến lược đảm bảo hoạt động liên tục, an toàn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Sacombank được giới chuyên gia nhận định đi ngược xu hướng số hóa của đa số ngân hàng. Thay vì đầu tư giao diện, thứ dễ gây ấn tượng với người dùng, thì lại đầu tư mạnh vào lõi, dữ liệu và bảo mật trước. Nhờ đó, hiện tại Sacombank sở hữu nền tảng hệ thống vững mạnh và công nghệ tiên tiến, cho phép Ngân hàng triển khai nhanh chóng bất kỳ tính năng mới nào để phục vụ nhu cầu khách hàng.
Trong làn sóng chuyển đổi số thứ 2, Sacombank nâng cấp, thay thế hệ thống mới để thấu hiểu khách hàng hơn. Hơn 30 năm kinh nghiệm phục vụ, hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, khi tinh chỉnh lại hệ thống phù hợp với môi trường kinh doanh mới, Sacombank vẫn có nhiều thế mạnh. Hiện, Ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn nâng cao bảo mật, phân tích dữ liệu dựa trên những phương pháp công nghệ mới như CRM, LOS, DMC trong bán hàng, phê duyệt tín dụng, quản lý thu hồi nợ; phát triển nền tảng công nghệ số thông qua các giải pháp công nghệ mới (Open API, điện toán đám mây...).
Sẵn sàng đón khách hàng gen Z
Những việc mà Sacombank thực hiện cách đây nhiều năm đã thêm hữu ích và bứt phá khi thị trường xuất hiện nhóm khách hàng “không dùng giấy”. Sacombank hiểu rõ sự hiển hiện của công nghệ trong mọi mặt đời sống, nhất là với thế hệ gen Z, những người trẻ được sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển, được tiếp xúc công nghệ từ sớm.
Theo ông Bình, năng lực hấp thụ công nghệ của khách hàng gen Z cao hơn các thế hệ đi trước nên đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ tài chính phải đáp ứng tiêu chí công nghệ cao: “Với Sacombank, chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi phương thức thực hiện từ thủ công sang digital, vì giới trẻ hiện nay đã hạn chế dùng giấy mực, thay vào đó là tiếp cận các thiết bị công nghệ từ rất sớm nên việc thao tác và tương tác các thiết bị đã khá quen thuộc, điều này là nền tảng hình thành một xã hội công nghệ số”.
Đại diện Sacombank cũng cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số, Sacombank không quá chú trọng việc tập trung phục vụ gen Z hay gen Y, bởi Ngân hàng nghiên cứu cho cả một vòng đời phù hợp với từng nhóm khách hàng ở từng giai đoạn. Hiện tại, Sacombank sẵn sàng “rộng cửa” đón khách hàng gen Z bằng những ưu tiên trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.
Sacombank đang triển khai một chuỗi dự án chuyển đổi số trong lộ trình phát triển công nghệ chặng đường 5 năm tới. Mặc dù số lượng khá lớn, kinh phí, nguồn lực triển khai phải có sự đầu tư thận trọng và quyết liệt. Thế nhưng, Sacombank tin rằng với quyết tâm chuyển đổi số phục vụ toàn diện nhu cầu của khách hàng đã thấm nhuần trong tư tưởng người Sacombank, Ngân hàng chắc chắn sẽ kiến tạo nên những giá trị công nghệ hiện đại, vững mạnh.