Tài chính

Sản phẩm Tâm an đầu tư của Manulife có điểm gì đặc biệt khiến nhiều người hiểu nhầm từ bảo hiểm sang gửi tiết kiệm?

Chiều 18/4, theo phản ánh từ báo chí, 34 người đã tới Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM để nộp đơn tố cáo SCB liên kết với Manulife, có hành vi chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Sản phẩm bảo hiểm được nhắc đến là "Tâm an đầu tư" là sản phẩm bảo hiểm liên kết được cung cấp bởi Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) và phân phối bởi SCB, được Bộ Tài Chính phê duyệt ngày 13/9/2017. Là sản phẩm bảo hiểm nhưng được nhân viên tại ngân hàng giới thiệu là gói đầu tư tiết kiệm với mức sinh lời cao đã khiến nhiều khách hàng không thể rút được tiền khi có nhu cầu.

Theo tìm hiểu của người viết, Tâm An Đầu Tư được giới thiệu là sản phẩm bảo vệ toàn diện khách hàng đến tuổi 85, đầu tư linh hoạt với danh mục đầu tư đa dạng, có tính thanh khoản cao, có thể mua/bán các đơn vị quỹ. Sản phẩm bao gồm hai tài khoản: tài khoản cơ bản (dành cho sản phẩm bảo vệ), tài khoản đóng thêm (được dùng để đầu tư vào 6 quỹ do khách hàng lựa chọn).

 (Nguồn: Tài liệu sản phẩm SCB).

Khi tham gia sản phẩm này, khách hàng sẽ phải đóng phí định kỳ, phí này sẽ được phân bổ vào hai tài khoản trên. Phần đầu tư của khách hàng sẽ được dùng để đầu tư vào các danh mục đa dạng từ cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, tiền gửi có kỳ hạn,... tùy thuộc vào sự lựa chọn tham gia quỹ nào trong 6 quỹ đầu tư của Manulife.

Các quỹ này được phân biệt bởi danh mục đầu tư với các tỷ trọng tài sản khác nhau. Mức lợi nhuận đi kèm tương ứng với độ rủi ro của danh mục, rủi ro càng cao, khả năng lợi nhuận càng cao.

Việc tồn tại hai loại tài khoản này khiến nhiều khách hàng dễ hiểu nhầm từ sản phẩm bảo hiểm liên kết thành một sản phẩm đầu tư tiết kiệm sinh lãi thông thường.

 Chi tiết 6 quỹ đầu tư được giới thiệu trong sản phẩm tại SCB (Nguồn: Tài liệu sản phẩm SCB).

Theo bảng tỷ suất đầu tư thực tế của các quỹ liên kết được SCB công bố, trong năm 2017, các quỹ Cân bằng, Phát triển, Tăng trưởng (rủi ro ở mức cao dần) có tỷ suất sinh lời khá cao lần lượt là 28,2%; 36,4% và 45,7% trong khi các có độ rủi ro thấp và trung bình là quỹ Bảo Toàn; Tích luỹ; Ổn định có tỷ suất sinh lời thấp, thậm chí âm, lần lượt là -2,1%; 1,2% và 5,3%.

Tới năm 2018 có tới 4/6 quỹ liên kết có tỷ suất đầu tư âm, quỹ Tăng trưởng có rủi ro cao nhất -12,2%. Trong khi đến năm 2019, tỷ suất đầu tư của các quỹ đều dương từ 5% đên 6,7%.

Con số tỷ suất đầu tư này cho thấy các quỹ liên kết của sản phẩm "Tâm an Đầu tư" này không phải lúc nào cũng sinh lời mà có thể lỗ, hay hiểu đơn giản rằng các khoản tiền trong tài khoản đầu tư không phải lúc nào cũng tăng mà có thể sụt giảm, tuỳ theo tình trạng đầu tư của các quỹ.

 Các quỹ liên kết có tỷ suất lợi nhuận khác nhau. (Nguồn: Tài liệu sản phẩm SCB).

Như trong phản ánh với báo Người lao động, bà Uyên (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết nhân viên tại SCB tư vấn gói tiết kiệm ưu đãi "Tâm an đầu tư" với lãi suất cao, thời hạn hợp đồng là 7 năm (không hề nói là hợp đồng bảo hiểm). Đến năm thứ 2 đã sinh lợi nhuận và có thể rút ra đến 70% số tiền đã đầu tư vào, đến năm thứ 4 có thể rút ra hết số tiền đã đầu tư.

Nếu thông tin tư vấn thực sự chỉ như vậy, nhân viên tư vấn đã chưa giúp khách hàng hiểu được sản phẩm mình tham gia là sản phẩm gì, có rủi ro gì, chưa nói đến việc có tư vấn sai lệch hay nói quá các thông tin về điểm tích cực của sản phẩm hay không.

Do không nắm được thông tin, bà Uyên đã rất bất ngờ khi biết được sản phẩm mình tham gia không phải là đầu tư tiết kiệm của ngân hàng mà là một hợp đồng bảo hiểm, số tiền đóng hàng năm hơn 100 triệu đồng, có chứa rủi ro mất tiền và không được rút ra trước hạn như gửi tiết kiệm bình thường.

Đã có nhiều trường hợp như bà Uyên gửi đơn tố giác lên cơ quan quản lý nhà nước làCục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính). 

Sau khi ghi nhận thông tin, cơ quan này đã chuyển đơn tố giác tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (Bộ Công an) để điều tra làm rõ và khởi tố trong trường hợp phát hiện các sai phạm trong quá trình bán bảo hiểm tại ngân hàng.

Trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều công văn yêu cầu các công ty bảo hiểm giám sát chặt chẽ việc bán bảo hiểm của các đại lý nói chung và cả các ngân hàng nói riêng, nghiêm cấm các hành vi tư vấn sai lệch để đạt KPI.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm