Theo Quyết định 129/QĐ-TTCP, thời gian kiểm tra là 10 ngày làm việc thực tế. Tổ kiểm tra gồm 4 thành viên, do ông Ngô Khánh Luận - thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát Thẩm định và Xử lý sau thanh tra, TTCP làm Tổ trưởng.
Quyết định nêu rõ Tổ kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện 2 kết luận thanh tra trên và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hãng Phim truyện Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Tại buổi công bố, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn cho biết kết luận thanh tra tại Hãng Phim truyện Việt Nam đã ban hành được gần 6 năm.
Tuy nhiên, nhiều nội dung theo kết luận thanh tra và các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ chưa được thực hiện. Do đó, ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo TTCP tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.
Trên cơ sở đó, TTCP thành lập tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan.
Phó Tổng Thanh tra yêu cầu các đơn vị được kiểm tra tập trung báo cáo đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các kiến nghị của TTCP tại kết luận thanh tra, nêu rõ những việc đã thực hiện được, những việc chưa thực hiện được theo kiến nghị của TTCP, nguyên nhân vì sao chưa làm, giải quyết dứt điểm các tồn tại, khuyết điểm được chỉ ra... Đồng thời, nêu rõ những khó khăn vướng mắc, đề xuất biện pháp giải quyết.
Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị liên quan cung cấp thông tin đúng thẩm quyền cho Tổ kiểm tra.
Phó Tổng Thanh tra yêu cầu Tổ kiểm tra làm việc khẩn trương, nghiêm túc để có kết luận chất lượng, đúng tiến độ đề ra.
Trước đó, ngày 28/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu TTCP tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan.
Trong quá trình kiểm tra cần rà soát kỹ các vi phạm liên quan đến quá trình cổ phần hóa và những vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra. Căn cứ quy định pháp luật về cổ phần hóa và các quy định pháp luật liên quan kiến nghị biện pháp xử lý khả thi, đúng quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4.
Năm 2018, TTCP công bố kết luận thanh tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam.
TTCP đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) xin rút vốn trước thời hạn.
Chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và các đơn vị có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao Hãng Phim truyện Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời thành lập Hội đồng xác định giá trị thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam. Sau khi có kết quả, xác định lại giá trị doanh nghiệp và tỷ lệ cổ phần của mỗi cổ đông cho phù hợp, đảm bảo đúng luật định.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan, xử lý dứt điểm những vướng mắc về đất đai, hoàn thiện phương án sử dụng đất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở phương án sử dụng đất được duyệt, xác định lại giá trị doanh nghiệp có tính đến yếu tố về lợi thế vị trí địa lý của các cơ sở nhà, đất theo đúng luật định…
TTCP kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kiểm điểm, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý đối với các đơn vị, cá nhân trước những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm…
Liên quan tới việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, ngày 6/4 Vivaso đã gửi văn bản tới Thủ tướng; TTCP; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giải quyết vướng mắc tại Hãng Phim truyện Việt Nam theo hướng cho phép công ty này không phải thoái vốn như kết luận của TTCP năm 2018.
Nếu đề xuất này không được Chính phủ chấp thuận, Vivaso đề xuất xin được giới thiệu nhà đầu tư mới để chuyển nhượng cổ phần theo đúng kết luận của TTCP.