Sáng ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Buổi gặp mặt còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, cùng 72 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế.
Theo báo Chính phủ, phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT THMilk, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, cho biết trong nhiều năm qua, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hình ảnh, khát vọng dân tộc đánh thức tiềm năng, sức sáng tạo của nữ doanh nhân. Đồng thời, bà Thái Hương đánh giá cao việc liên tiếp trong tháng 8 và 9, Thủ tướng đã tổ chức 2 Hội nghị lớn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý nhanh, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam ( Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Nhìn lại khoảng thời gian giãn cách khó khăn, nữ Chủ tịch THMilk bày tỏ xúc động trước sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. "Sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân. Đến giờ hình ảnh áo sơ mi Thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương hay hình ảnh những y bác sĩ, công an, bộ đội ăn bữa cơm vội vàng… đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức, phát triển bền vững..", bà Thái Hương chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện một hiệp hội nữ doanh nhân khác là bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, kiến nghị trong các chiến lược quốc gia thành phần sẽ đồng bộ với chiến lược quốc gia phát triển bền vững, ví dụ chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có quy định tỉ lệ DN do phụ nữ làm chủ nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội lại không có quy định này. Do đó, rất khó để đồng bộ trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như sự phấn đấu của phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam ( Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Bà Minh kiến nghị đưa vào Luật DN khái niệm DN do phụ nữ làm chủ, hiện nay rất nhiều nước đã có khái niệm này như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Đưa khái niệm này vào sẽ xác định được đối tượng để thực hiện các gói hỗ trợ, các chương trình, dự án một cách tốt nhất, thiết thực nhất, giúp có các số liệu chính xác báo cáo trong các diễn đàn về thúc đẩy bình đẳng giới…
Ngoài ra, sự phục hồi của cộng đồng DN, đặc biệt là các DN do phụ nữ làm chủ rất khó khăn. Do đó bà Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những gói hỗ trợ đặc thù cho DN do phụ nữ làm chủ, DN sử dụng nhiều lao động nữ, DN sử dụng lao động người khuyết tật.
Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm đến kiến nghị của UNDP, khuyến nghị Chính phủ Việt Nam trích 5% GDP từ nay đến cuối năm để hỗ trợ trực tiếp DN tư nhân.