Hồi đầu tháng 7/2021, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước nhận xét: “Thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường tăng mạnh thứ 2 trên thế giới. Tính đến ngày 30.6.2021, chỉ số VN-Index đạt 1408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020".
Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục bùng nổ, cán mốc trên 1 tỷ USD/phiên nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đạt mức cao kỷ lục. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đã tăng 58% so với cả năm 2020. Thị trường liên tục lập đỉnh kéo theo nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Tuy nhiên sau quãng thời gian hưng phấn, tăng trưởng liên tục, sang đến tháng 7 vừa qua thị trường trải qua nhịp điều chỉnh giảm khoảng 17% sau đó lại hồi phục. Sang tháng 8, tháng 9 thị trường chứng khoán dao động trong biên độ hẹp từ do tâm lý thị trường vẫn thận trọng sau cảnh báo của UBCKNN về việc giám sát chặt chẽ các giao dịch bất thường, cùng với lo ngại đợt lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 kéo dài.
Theo tổng kết của VnDirect, VnIndex nhích tăng 0,6% trong tháng 9 (số liệu tại ngày 28 tháng 9 năm 2021) sau khi ghi nhận mức tăng nhẹ 1,6% trong tháng 8. Tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng khi làn sóng lây nhiễm COVID19 thứ tư kéo dài. Kết thúc phiên giao dịch 28/09/2021, chỉ số này đứng ở mức 1.339,31 điểm (+0,6% so với cuối tháng 8 và +21,3% so với đầu năm).
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lo ngại so với từ khi thị trường ở vùng đáy vào tháng 4/2020 hiện VnIndex đã tăng điểm khá mạnh, nhiều nhóm ngành thậm chí tăng trưởng vượt trội. Liệu giai đoạn hiện tại mặt bằng giá cổ phiếu đã quá đắt để đầu tư dài hạn là câu hỏi nhiều người đặt ra.
Phân tích tại buổi livestream Chiến lược đầu tư quý IV năm 2021, giám đốc khối phân tích công ty chứng khoán VnDirect Trần Khánh Hiền cho chỉ ra 4 quan điểm để đánh giá chứng khoán Việt Nam hiện liệu có đã phải là đắt hay chưa.
“Đắt hay không thì chúng ta phải nhìn về định giá. Hiện định giá của VnIndex khoảng 15,8 lần, vẫn thấp hơn mức trung bình P/E trung bình 3 năm là 16,2 lần. Nếu so sánh với mức đỉnh vào cuối tháng 7 năm 2021 thì đã thấp hơn 17%. Tất nhiên hiện mức định giá P/E của thị trường thấp hơn mức định giá đã đạt được vào năm 2018. Tại thời điểm này P/E thị trường ở mức 22 lần. Nghĩa là đứng ở thời điểm hiện tại lợi nhuận của các doanh nghiệp đã tăng trưởng giúp định giá ở mức vừa phải và thấp hơn chính chúng ta trong lịch sử”, bà Hiền phân tích. Đây là điểm đầu tiên cần nhắc đến khi phân tích liệu hiện nay cổ phiếu đắt hay rẻ để đầu tư dài hạn.
Điểm thứ 2 được chuyên gia VnDirect nêu ra là về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp năm 2021. Công ty chứng khoán này đưa ra dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường hiện nay khoảng 26%, thấp hơn so với dự báo từng đưa ra trước đây là 30%.
“Chúng tôi cũng kỳ vọng mức tăng trưởng của năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết là 21% và năm 2023 là 18%. Nhìn về 3 năm mức định giá của Việt Nam so với tiềm năng tăng trưởng đang khá hấp dẫn đặc biệt là so với các nước trong khu vực. Trong khu vực có Việt Nam và Indonesia là 2 nước có định giá khá thấp so với tiềm năng tăng trưởng”, giám đốc phân tích VnDirect chia sẻ.
Báo cáo phân tích chiến lược đầu tư tháng 10 do VnDirect cũng chỉ ra quan điểm tương tự. Theo đó mặc dù vậy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực. Chỉ số VN-INDEX nhích tăng 0,6% so với cuối tháng 8 bất chấp sự sụt giảm tại một số thị trường chứng khoán Đông Nam Á, bao gồm JCI Index (-0,6%), SET Index (-1,4%) và FBMKLCI Index (-3,4%) so với cuối tháng 8.
Nguồn: VnDirect, ảnh chụp màn hình.
Điểm thứ 3 các nhà đầu tư cần chú ý là quy mô thị trường. Theo đó hiện tại quy mô thị trường đang khác rất nhiều so với thời điểm năm 2018. Hiện nay thị trường được hỗ trợ mạnh mẽ bởi dòng tiền các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Điều này là tín hiệu tích cực giúp cho thanh khoản và quy mô của thị trường phát triển bền vững trong những năm tới. Trong khi đó giai đoạn năm 2018, thị trường được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Khi những nhà đầu tư này rời đi thì thị trường dễ rơi vào tình trạng đổ vỡ hơn.
Yếu tố thứ 4 cho thấy chứng khoán vẫn còn tiềm năng lớn là câu chuyện nâng hạng thị trường. Bà Hiền cho biết mặc dù hiện nay chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng nhưng đây vẫn là câu chuyện hấp dẫn trong tương lai.
“Những điều chưa xảy ra trong tương lai sẽ hấp dẫn khá nhiều. Cho nên tính đến thời điểm hiện tại tôi cho rằng định giá của thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn rất nhiều so với chính chúng ta trong quá khứ cũng như tiềm năng tăng trưởng và lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai”, giám đốc phân tích VnDirect chia sẻ.