Vào tháng 5/2020, TikiNgon đã ra mắt tại thị trường TP.HCM, đánh dấu thời điểm sàn TMĐT này chính thức lấn sân sang mảng bán hàng tươi sống – hoặc cụ thể hơn là lương thực thực phẩm.
Trong đại dịch – ngành hàng lương thực thực phẩm của Tiki phát triển nhảy vọt. TikiNgon ra mắt cuối tháng 5 đầu tháng 6/2020, tới tháng 7,8,9 tăng trưởng rất khủng khiếp. Mới đầu, trái cây – thủy hải sản là 2 mặt hàng bán chạy nhất, sang đến sau tháng 4/2021, những mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng, mì tôm… ‘lên ngôi’.
Sau khi thấy nhu cầu của khách hàng quá cao, thì Tiki chủ động nhập hàng về bán. Tiki Trading chỉ mất đúng 2 tuần để chuyển đổi và set-up hệ thống cho ngành hàng mới như về sân bãi – kho lạnh, xây dựng quy cách đóng gói…Sau đó, họ còn ra chương trình From farm to table, nhằm hỗ trợ bà con nông dân bán hàng nông sản online.
"Thật ra, lúc đó Tiki vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành hàng tươi sống, tuy nhiên chúng tôi biết là mình phải làm – nếu không làm sẽ trễ mất. Vì là người mới, chúng tôi không có bất cứ dữ liệu gì về ngành hàng này cả.
Tuy nhiên, việc hiểu khách hàng là bắt buộc, nên chúng tôi tìm đến Nielson để mua dữ liệu cũng như know-how cơ bản về ngành. Ngoài ra, chúng tôi cũng có những cách thức tìm hiểu khách hàng đơn giản khác: như gửi email hỏi nhờ phản hồi dịch vụ - sản phẩm. Trong giai đoạn đầu tiên, chúng ta không cần những số liệu – dữ liệu quá rộng, chỉ cần sát ngành hàng là đủ.
Nhờ vậy, chúng tôi biết mặt hàng này sẽ bán được online, mặt hàng kia thì không. Chúng ta nghĩ, những thứ phổ thông như rau củ sẽ bán tốt trên kênh online; nhưng thực tế chính trái cây – thủy hải sản mới là những mặt hàng bán chạy nhất TikiNgon trong thời gian đầu", ông Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Tiki, kể trong Tọa đàm Tìm và giữ khách hàng sau dịch Covid-19 do BSA tổ chức.
Ngoài ra, vì chưa có dữ liệu về ngành hàng lương thực thực phẩm, nên Tiki sẽ có những lưu tâm khác, ví dụ như hành vi tìm kiếm của khách hàng. Một ngày nọ, bỗng dưng Tiki thấy mọi người tìm kiếm ‘trứng’ rất nhiều, trong khi trước đó Tiki không hề bán trứng. Vậy là, sàn TMĐT này nhập trứng về bán.
"Nhờ những góp nhặt như thế, Tiki có thể tiên đoán và kịp thời bán những sản phẩm mà khách hàng cần. Cũng như biết mình cần phải xây kho ở đâu, nhân viên nên giao hàng như thế nào, mùa nào thì bán thức gì…
Với những ngành hàng mới như thế này, độ nhạy cảm hay khả năng phán đoán hướng đi – nhu cầu của thị trường của đội ngũ rất quan trọng; vì rõ ràng chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm trước đó", CEO Tiki bình luận.
Hiện tại, sau khi TP.HCM và Hà Nội dần mở cửa trở lại, mặc dù doanh thu Tiki có giảm so với trước khi lock-down, song doanh số từ ngành hàng tươi sống vẫn cao. Bởi không ít khách hàng vẫn rất dè dặt với chuyện đi đến chỗ đông người như siêu thị hoặc chợ.
Chính Covid-19 đã thúc đẩy ngành hàng tươi sống lên online nhiều hơn: từ 0,2% trước đó, kênh bán hàng online có thể vươn lên 1% thị phần trong 6 tháng tới.
Dù ‘tay không bắt giặc’ và thành công nhất định với ngành hàng tươi sống, nhưng CEO Tiki vẫn khẳng định: họ không phải là người thắng lớn trong mùa dịch.
"Thật ra, Tiki đã chuẩn bị cho đại dịch này khá kỹ. Lúc đại dịch mới bùng nổ ở Vũ Hán vào tháng 12/2019, tôi đã dự báo: nó sẽ kéo dài từ khoảng 2 đến 3 năm. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi không gặp khó khăn, thậm chí càng ngày càng khó.
Trong đại dịch, nhiều ‘ông lớn’ về TMĐT trên thế giới như Amazon phát triển rất nhanh và rất tốt. Tuy nhiên, thị trường TMĐT Mỹ khác Việt Nam, tỷ lệ người tham gia mua sắm online ở Việt Nam vốn không nhiều như Mỹ", ông Trần Ngọc Thái Sơn cho hay.
Đội ngũ của Tiki cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong 3 tháng vừa qua.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, thời gian khó nhất của Tiki là ở trong 3 tháng vật vã theo đỉnh dịch tại TP.HCM vừa qua. Theo đó, 50% nhân viên giao hàng của TikiNow bị ‘giam’ ở trong nhà, 50% còn lại cũng không thể giao hàng liên quận huyện, nhiều nhân viên văn phòng trở thành F0…
Và mặc dù thương mại điện từ có cái lợi là có thể hoạt động 24/7. Hơn nữa, trong khoảng thời gian TP.HCM lock-down theo chỉ thị 16 và 16+ vừa qua, dù Tiki không đi giao hàng được và khách hàng dù đợi lâu vẫn chưa nhận được hàng – nhiều người đã gọi điện đến hỏi vì đợi 2 đến 3 tháng mà vẫn chưa nhận được hàng, song hầu hết khách hàng đều không hủy đơn. Nguyên do, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác hoặc vì họ muốn mua thêm nhiều hàng để tích trữ.
"Nhưng nếu xét tổng thể, theo tôi, chẳng có ai thắng lớn trong đại dịch hay lúc này cả, ngay cả chúng tôi", CEO Tiki khẳng định.
Cũng theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, trong Covid-19, doanh số của Tiki có tăng nhờ 3 yếu tố sau:
Đầu tiên, nhiều người nhầm tưởng ngành hàng tươi sống tăng trưởng nhanh và mang về cho Tiki nhiều tiền nhất, nhưng không phải; chính ngành hàng công nghệ - điện tử mới là ‘công thần".
Vì người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng phải sinh hoạt – làm việc – học tập tại nhà phần lớn thời gian trong năm, nên họ cần mua đồ điện tử gia dụng cũng như hàng công nghệ để phục vụ những hoạt động nói trên.
Thứ hai, sau mỗi làn sóng Covid-19, khi Nhà nước cho phép giao hàng, đơn hàng luôn dồn lại một cục và có rất nhiều.
Cuối cùng, dù chưa chiếm tỷ trọng cao, song TikiNgon cũng đã đến mang đến những tác động rất tích cực lên doanh thu – lợi nhuận của sàn.