Trái tim ở đâu thì kho báu ở đó
"Không lẽ mình cứ sống kiếp sống quanh quẩn với lịch trình nhàm chán sáng đi làm, chiều đi về? Sao mình không thử như anh chàng Santiago trong Nhà giả kim, để một lần theo tiếng gọi vũ trụ đi tìm kho báu của đời mình?", đó là ý tưởng lớn của Trần Đặng Đăng Khoa được chia sẻ trực tuyến tại Salon Văn hóa Cà phê Thứ 7.
Anh Khoa ví dụ hóm hỉnh: "Trong một lớp học có 50 đứa, 1 đứa đứng nhất thì không lẽ 49 đứa còn lại đều là những kẻ thất bại, bị xã hội chê trách và không đáng được hạnh phúc?". Hãy cảm nhận cuộc sống trong từng khoảnh khắc, trong hơi thở mỗi ngày trên hành trình theo đuổi ước mơ. Đó mới chính là hạnh phúc chứ không phải những con số khô khan 10 tỉ hay 20 tỉ…
Nhà Giả Kim có ba tầng ý nghĩa. Tầng thứ nhất là về cuộc hành trình đi tìm kho báu của Santiago. Tầng thứ hai là ẩn dụ về cách con người tìm kiếm và chinh phục ước mơ. Tầng thứ ba là vấn đề tâm linh, có rất nhiều biểu tượng tâm linh cả phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, triết lý dung dị mà quyển sách gửi gắm chính là: Trái tim ở đâu thì kho báu ở đó!
Theo anh, Nhà giả kim là một câu chuyện mang tính ẩn dụ. Đối với mỗi người, kho báu có thể nằm ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thái. Với người khác, kho báu có thể là tiền tài, chức vụ hoặc các cô gái đẹp. Nhưng đối với Khoa thì kho báu chính là những chuyến đi, mỗi ngày được đến những vùng đất mới và được sống như mình mong muốn.
Có nhiều người bỏ công sức cả đời để đi tìm hạnh phúc ở xa xôi mà không nhận ra thậm chí nó đã ở ngay bên cạnh mình, ngay trong cuộc sống thường ngày. Những người quyết chí ra đi, để rồi thông qua trải nghiệm trên các cuộc hành trình mới đủ nhận thức để nhìn nhận những thứ quý giá đang ở xung quanh họ. Đó là bài học về sự trải nghiệm của Trần Đặng Đăng Khoa.
"Thử thách càng gian nan thì kho báu đạt được càng lớn"
Trước khi thực hiện hành trình để đời, thế giới rộng lớn của Trần Đặng Đăng Khoa bắt nguồn từ những lần nghịch ngợm nên bị phạt xoay mặt vào vách, trùng hợp trên tường có treo một tấm bản đồ thế giới. Anh cho rằng việc này cũng giống như "tín hiệu từ vũ trụ" trước khi một người muốn thực hiện điều gì đó lớn lao.
"Nếu như Santiago sinh ra trong một gia đình vương giả, anh ta có thể sẽ không bao giờ có ý niệm về một chuyến đi tìm kho báu. Còn mình thì nếu là một học trò ngoan, sẽ không bị phạt và quay mặt đúng ngay vào tấm bản đồ, chính nó gợi lên cho mình sự tò mò, bắt đầu từ những cái tên lạ của các quốc gia.", anh Khoa lí giải.
Trên chuyến hành trình trong Nhà Giả Kim, Santiago có nhiều lần gặp thách thức lớn làm anh chàng suýt nản lòng. Ngay ngày đầu đã bị lừa hết tiền, phải đi làm thuê và kiếm được thu nhập tốt ở một cửa hàng pha lê. Kế hoạch ban đầu của Khoa cũng dừng lại ở châu Âu, nhưng sắp đến châu Âu thì gần mùa đông, khó di chuyển. Thế là anh quyết định chuyển hướng đến Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Châu Phi, Châu Úc…
Các trở ngại lớn cho cuộc hành trình của Trần Đặng Đăng Khoa là chi phí, xin visa. Anh chia sẻ lúc bắt đầu chuyến đi, tài chính gần như bằng không, đó là trở ngại làm anh phải đắn đo nhiều nhất, nhưng vì đam mê quá lớn anh quyết định sẽ tìm kiếm việc làm, cũng như viết blog để duy trì lộ phí. Việc xin visa qua các nước cũng rất phức tạp…
Khi được hỏi có ai giống như vị vua xứ Salem giúp đỡ anh trên chuyến hành trình, anh chia sẻ cũng có rất nhiều tín hiệu mình gặp phải. Ví dụ như khi bị hỏng xe trên một con đường ở Mỹ, anh gặp một ông cụ giúp đỡ mới có thể tiếp tục. Hoặc một lần đi trong mưa ở Colombia trên một con lộ cạnh chân đồi, đột nhiên có một con chim lạ với màu sắc rực rỡ bay qua, anh dừng lại và cố gắng chụp ảnh thì bất chợt ngọn đồi trước mặt bị sạt lở.
"Thử thách càng gian nan thì kho báu đạt được càng lớn", anh Khoa tâm niệm.
Khi anh đến châu Úc thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Sau khi suy tính kỹ càng, anh quyết định tạm dừng cuộc hành trình và trở về Việt Nam để tìm "kho báu" nơi anh bắt đầu, rồi chuẩn bị cho các cuộc phiêu lưu tiếp theo...