Tại Hội nghị thường niên về giáo dục "BẢN HÒA CA TRÍ TUỆ" (Symphony of the mind) với chủ đề "Sáng tạo là kỷ nguyên tiếp theo của trí tuệ" (Creativity is the next intellect), những bậc thức giả, những chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực như tâm lý học, giáo dục, kinh doanh và nghệ thuật bày tỏ quan điểm thống nhất về triết lý giáo dục tiến bộ trong kỷ nguyên mới: Giáo dục sáng tạo là xu hướng tất yếu của hiện và tương lai.
Với sự tham dự của những chuyên gia hàng đầu về đổi mới giáo dục như: Giáo sư Howard Gardner: cha đẻ Thuyết đa trí thông minh, Giám đốc cấp cao của Harvard Project Zero; giáo sư Ngô Bảo Châu: Huy chương Fields 2010, Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tại Việt Nam; giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cũng như nhiều chuyên gia, nghệ sĩ đã rất thành công trên con đường chinh phục sự sáng tạo trong suốt sự nghiệp của mình như: Nghệ sĩ quốc tế - Nhà giáo dục Thanh Bùi, Nhà giáo dục – nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh; Cựu giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang; Marketer – Nhà giáo dục Hùng Võ, Nghệ sĩ quốc tế - Tiến sĩ – Nhà giáo dục Alexander Tú, Nhà giáo dục Tony Diệp, Đạo diễn – Nhà giáo dục Kathy Uyên…, những chia sẻ hữu ích ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận.
Sáng tạo thúc đẩy khả năng học tập trên nhiều bình diện
Trước câu hỏi: "Năng lực sáng tạo có thể thúc đẩy hiệu quả học tập của người học như thế nào?", Giáo sư Trần Thanh Vân cho rằng, dù ở thời đại nào, bộ óc con người cũng cần nuôi dưỡng năng lực trí tuệ của mình, cụ thể là năng lực của não bộ: "Tôi hình dung rằng bộ óc như một nhạc cụ với nhiều dây đàn, khi được kích thích sẽ phát ra âm thanh, có phải đó là bản hòa ca của trí tuệ chăng?". Chính vì vậy, một bộ não có năng lực là bộ não biết sáng tạo, là nơi hội tụ của trí và tâm. Giáo dục phải giúp con trẻ phát triển được bộ não ấy – giúp trẻ biết tò mò, biết hứng thú với cuộc sống và chủ động khám phá thế giới.
Cũng theo giáo sư: "Một môi trường giáo dục phải giúp trẻ em phát triển toàn diện, không phân biệt não trái hay não phải. Đó sự tổng hòa của khối óc, để trí tưởng tượng bay bổng, trí sáng được phát huy." Ông tin rằng đó là mục đích mà chương trình được tổ chức, với kỳ vọng đặt nền tảng giáo dục sáng tạo.
Trong khi đó, về quan điểm người dạy, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đề cao vai trò của sáng tạo. Theo ông, sáng tạo là phải tạo ra được cái mới, một điều gì đó đẹp đẽ cho thế giới này. "Sáng tạo là nhìn những gì người khác nhìn thấy, nhưng nghĩ những gì người khác chưa từng nghĩ".
Chính sáng tạo sẽ khiến cho việc dạy và học trở nên hiệu quả. "Người thầy thật thụ không phải là những người chỉ đọc thuộc lòng một quyển sách. Cũng là nội dung đó, nhưng sẽ luôn luôn có phần nào sáng tạo trong đó".
Còn đối với Tiến sĩ – Nghệ sĩ quốc tế Alex Tú thì quan niệm: "Một người thầy giống một người huấn luyện hơn (coach), Có lúc đi đằng trước, có lúc đi đằng sau, có lúc đi kế bên. Luôn luôn sát cánh cùng các em để cho các em khi học không chỉ cứ học động tác xong là xong mà còn tự khám phá để tự biến chuyển theo ý mình muốn"
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ, cha mẹ nên hỗ trợ trẻ hình thành tư duy tích cực về học tập. Theo ông, việc học không phải là việc nạp những kiến thức sáo mòn đã cũ, việc học là sống. Việc học phải giúp cho trẻ trở thành người tự chủ và hạnh phúc. Trong hành trình cuộc đời, con trẻ thông qua việc học, trở thành những người độc lập, biết sống cuộc sống của mình, làm chủ cuộc sống của mình, hạnh phúc trong cuộc sống của mình, và có khả năng cảm thụ cái hay, cái đẹp của cuộc sống, của nghệ thuật, biết vui, biết sống chan hòa, đem lại những niềm vui và hạnh phúc cho người khác.
Giáo sư cho rằng, muốn học tốt, cần có năng lực sáng tạo. Học tập hiệu quả là sống một cuộc sống hiệu quả. Chính vì vậy, năng lực sáng tạo là một kỹ năng cần thiết để sống cuộc sống hiệu quả. Chính vì vậy, mô hình giáo dục nào giúp trẻ có năng lực sáng tạo cần được quan tâm phát triển hơn nữa.
Ông khẳng định, giáo dục sáng tạo không phải là một trào lưu nhất thời mà là xu thế tất yếu trong xu hướng phát triển giáo dục ở hiện tại và tương lai.
Sáng tạo nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc
Chia sẻ về chủ đề này, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho biết, giáo dục toàn diện không chỉ giúp trẻ có năng lực học tập mà phải phát triển tâm hồn, cảm xúc. Và việc liên tục rèn luyện sự sáng tạo là chất xúc tác của qua lại giữa IQ và EQ, có thể tăng sự trực cảm, nhạy cảm của một đứa trẻ, giúp các nuôi dưỡng tình yêu thương.
Điều đó có thể được phát triển thông qua các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, diễn xuất. "Phải khuyến khích trí tưởng tượng của con trẻ" – nhà ngoại giao cho biết. Cô cũng khuyến khích việc cha mẹ và nhà trường tạo môi trường cởi mở để trẻ được đặt câu hỏi – "Tôi thường nói với thanh niên là trả lời có thể khó nhưng đặt câu hỏi có khi còn khó hơn. Các bạn chỉ cần tiếp cận nhiều chiều, phải làm cái điều mà người ta gọi là " Thinking out of the boxes " - thoát ra khỏi những cái khuôn sáo có sẵn".
Sáng tạo là trọng tâm của nền kinh tế mới
Làm thế nào mà sáng tạo đã trở thành động lực phát triển của nhiều doanh nghiệp hàng đầu? những chia sẻ ở phần tiếp theo sự kiện của chị Lê Diệp Kiều Trang – cựu giám đốc Facebook Việt Nam và anh Hùng Võ – Phó Tổng Giám Đốc Marketing tại Biti’s, Giám đốc điều hành công ty quảng cáo sáng tạo lớn nhất tại Việt Nam Dentsu Redder - sẽ giải đáp câu hỏi này cho khán giả.
Là một trong những người hồi sinh thương hiệu giày dép lâu đời tại Việt Nam bằng sức mạnh của sáng tạo, anh Hùng Võ cho biết, đây là tố chất không thể thiếu cho trẻ em khi lớn lên. Trong một tương lai bất định rõ ràng, giáo dục cần phải thay đổi, cần phải hỗ trợ cho những đứa trẻ sinh ra trong thời điểm hiện tại có được niềm vui, sự hân hoan; phải giúp trẻ làm quen với nhiều hình thái sáng tạo khác nhau để có thể có nhiều góc nhìn trên cùng một chủ thể.
Cũng theo anh Hùng Võ: "Nền giáo dục này cũng cần giúp cho trẻ chủ động độc lập, nhưng song song hiểu tầm quan trọng của những mối quan hệ hữu ích, ý nghĩa, và rằng hiểu bản thân mình có kết nối, chịu sự ảnh hưởng qua lại từ gia đình, bạn bè, cộng đồng, quốc gia, thế giới và đặc biệt là cả trái đất"
Chính vì vậy, sáng tạo phải được trả lại vị trí của nó. Giáo dục sáng tạo sẽ giúp trẻ "phát huy tối đa tiềm năng và vẻ đẹp của từng cá nhân". Điều này cũng đặt ra bài toán cấp thiết cho giáo dục hiện nay là cần phải dạy gì cho trẻ - nếu không phải là kỹ năng sáng tạo?
Cuối cùng, giáo sư Howard Gardner - Giám đốc cấp cao Harvard Project Zero, cha đẻ của thuyết đa trí thông minh khẳng định: "Sáng tạo là bản hòa ca của trí tuệ - Creativity is the new intellect".
Có thể nói, câu nói "Cần cả một làng để nuôi dạy một đứa trẻ" và "Trăm năm trồng người" là rất chính xác. Chính vì thế, "Chúng ta nên quan tâm đến sự phát triển sớm về trí tuệ, trí thông minh và sức sáng tạo ngay từ khi có thể." - Giáo sư nhấn mạnh.
Tại sự kiện, nghệ sỹ, nhà giáo dục Thanh Bùi chia sẻ tâm huyết của mình với giáo dục sáng tạo và khao khát mang lại cơ hội phát triển toàn diện hơn cho trẻ: "Thanh mong là qua Symphony Of The Mind, phụ huynh sẽ thấy được các con xuất sắc và lý do nào tạo nên sự xuất xắc của các con. Các con cần được sống trong một môi trường luôn khuyến khích sự sáng tạo, các con được là chính bản thân của các con; Bố mẹ có thể thấy việc đào tạo cho con phát triển toàn diện là một điều rất cần thiết, tất cả các môn đều cần có sự quan tâm như nhau, không có sự phân biệt giữa các môn học tự nhiên và các môn nghệ thuật.
Thanh hi vọng thông qua chương trình của Symphony Of The Mind, các con sẽ được truyền cảm hứng và các bậc phụ huynh sẽ cởi mở hơn, sẽ đón nhận khái niệm "Sáng Tạo là gì" trong thế kỉ 21 này. Bất cứ ai cũng có thể sáng tạo và sáng tạo có trong mọi lĩnh vực của cuộc sống".