Hôm nay (7/10) là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức và nhận cổ phiếu thưởng của VPB và MSB với tỷ lệ rất cao, lần lượt là 80% và 30%.
Trước ngày chốt danh sách chi trả cổ tức, giá cổ phiếu VPB và MSB đều suy giảm trong chục phiên trở lại đây. Như VPB, thị giá cổ phiếu đã giảm liên tục từ 67.000 đồng/CP xuống mức 61.600 đồng/CP (tương đương ức giảm 9%) từ phiên giao dịch 24/9 đến 6/10. MSB cũng nhận kết quả tương tự khi đóng cửa phiên 23/9 ở mức giá 29.000, đến ngày 6/10 đã giảm xuống mức 27.500 (giảm 5,4%).
Giá giảm liên tục, khối lượng giao dịch tăng dần về những ngày sát chốt quyền, cho thấy cổ đông, đặc biệt nhà đầu tư nhỏ lẻ muốn bán bằng mọi giá, thậm chí cắt lỗ sâu để không phải "lăn chốt".
Ở thời điểm thuận lợi nhất của thị trường, chủ yếu là quý 2/2021, diễn biến chia cổ tức rất được chào đón. Chỉ cần có tin về cổ tức là giá cổ phiếu ngay lập tức tăng mạnh. Tỷ lệ chia càng cao, tốc độ tăng giá càng lớn, đặc biệt với cổ phiếu ngân hàng.
Tuy nhiên, cùng với đợt "sập" của thị trường vào đầu tháng 7, cổ phiếu ngân hàng nói riêng và cổ phiếu bluechips nói chung trong xu hướng điều chỉnh mạnh. Những nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu trả cổ tức còn chưa về tài khoản là bên chịu thiệt hại hơn cả, khi thậm chí còn không thể cắt lỗ.
Trước khi chia cổ tức, CTG tăng giá mạnh mẽ, từ vùng chưa đến 30.000 đồng lên trên 54.000 đồng chỉ trong hơn 2 tháng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/7, CTG từ 52.300 đồng điều chỉnh về 37.580 đồng tương ứng với tỷ lệ chia cổ tức gần 29%.
Sau khi điều chỉnh giá, CTG liên tục giảm. Cho đến ngày cổ phiếu này về tài khoản nhà đầu tư, giá chỉ còn quanh vùng 32.000 đồng, và giảm tiếp cho đến 6/10 chỉ còn 29.300 đồng/cổ phiếu - mức thấp nhất từ cuối tháng 2/2021 (đã tính giá điều chỉnh). Trong khi thị trường và các mã ngân hàng khác đang dần hồi phục thì CTG vẫn tiếp tục cắm đầu đi xuống trước sự thất vọng của nhà đầu tư.
Một trường hợp tương tự là LPB. Ngày giao dịch không hưởng quyền 21/7, giá LPB điều chỉnh về 23.400 đồng theo tỷ lệ 12%. Đến nay đã qua hơn 2 tháng nhưng cổ phiếu LPB được chia vẫn ở trạng thái "chờ giao dịch" trong tài khoản của nhà đầu tư, còn giá đã giảm hơn 10%. Chốt phiên 6/10, cổ phiếu LPB chỉ còn 21.200 đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 5 (đã tính giá điều chỉnh).
Hay như trường hợp VIB, cổ phiếu này đã tăng giá mạnh khi có tin sẽ chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ lên đến 40% cho nhà đầu tư. Trước khi chia cổ phiếu thưởng, VIB có giá lên tới hơn 70.000 đồng - chỉ đứng sau VCB. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/6, VIB điều chỉnh tương ứng về 52.500 đồng/cổ phiếu. Song từ khi chia cổ phiếu thưởng đến nay, giá VIB giảm một mạch về chỉ còn 34.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 6/10, chịu biên giảm lên tới 34%, và là một trong những mã ngân hàng suy giảm mạnh nhất.
Ngoài ra, còn phải đề cập đến các trường hợp MBB, OCB, SHB, HDB, ACB và SSB cũng đã chia cổ tức cho cổ đông, trong đó chỉ còn cổ tức OCB và HDB là chưa về tài khoản. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có nhà đầu tư "lăn chốt" cổ tức SHB là có lãi (chia tháng 5 và tháng 8 giao dịch bổ sung), còn lại cổ đông các ngân hàng khác đều phải ngậm ngùi vì giá giảm đáng kể so với lúc điều chỉnh giá.
Xét trong rổ VN30 có thể thấy, hầu hết các mã cổ phiếu chỉ hưởng lợi khi có quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu.
Một số mã tăng giá từ thời điểm chốt quyền chia cổ tức đến nay có GAS, KDH, PDR, POW, GAS, HPG. Đây đều là những mã mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ tức đã về tài khoản được một khoảng thời gian. Việc chia cổ tức bằng tiền mặt có lợi là cổ phiếu không bị tăng thêm, pha loãng, không có lo ngại ngắn hạn với nhà đầu tư khi cổ phiếu về tài khoản sẽ bị xả lũ.
Ngược lại, các trường hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu, đặc biệt có mức chia khủng thì thị giá rớt thảm từ thời điểm chốt quyền chia cổ tức như một vài mã ngân hàng kể trên, hay một số mã có vốn hoá lớn như VIC, PLX, SSI đều có mức giảm từ 3-10%.