Trên thị trường hàng không, Vietnam Airlines và Vietjet Air vừa là hai hãng lớn nhất, vừa có thị phần tương đương nhau. Tính đến thời điểm năm 2019, quy mô vốn và tài sản của hai hãng cùng không chênh lệch quá lớn.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020, quy mô vốn chủ sở hữu Vietnam Airlines liên tục giảm mạnh. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Vietjet Air gần như không bị ảnh hưởng.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu Vietnam Airlines là hơn 18.500 tỷ đồng còn Vietjet Air khoảng 15.300 tỷ đồng. Sang năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện, thị trường hàng không gần như đóng băng, khiến Vietnam Airlines báo lỗ 6 quý liên tiếp, mỗi quý lên tới vài nghìn tỷ đồng. Do đó, vốn chủ sở hữu Vietnam Airlines liên tục giảm và đến ngày 30/6/2021 vừa qua thậm chí âm 2.750 tỷ đồng. Việc âm vốn chủ sở hữu khiến Vietnam Airlines có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nếu không khắc phục được tình trạng trên báo cáo tài chính cả năm.
Trong khi đó, Vietjet Air chỉ báo lỗ 2 trong 6 quý vừa qua là quý 1/2020 và quý 3/2020, còn các quý khác vẫn có lãi. Do đó, tính chung năm 2020 Vietjet vẫn có lợi nhuận và sang 6 tháng đầu năm 2021 cũng tiếp tục báo lãi. Do không thua lỗ, vốn chủ sở hữu Vietjet Air gần như đi ngang trong thời gian vừa qua và đến 30/6/2021 tăng lên trên 17.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Vậy, tại sao 2 hãng hàng không có thị phần và quy mô không quá khác biệt, lại chịu tác động khác nhau từ đại dịch Covid-19?
Thực tế, nếu xét riêng hoạt động vận tải hàng không của công ty mẹ Vietnam Airlines và Vietjet Air, thì cả hai không hề khác nhau.
Theo đó, cả hai ông lớn hàng không cùng báo cáo doanh thu dưới giá vốn ngay từ quý 1/2020, khi Covid-19 xuất hiện. Sang quý 2/2020 và quý 3/2020 dịch bệnh vẫn "thoắt ẩn thoắt hiện" khiến các đường bay nội địa chưa thể hoạt động trở lại. Do đó, Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng tiếp tục ghi nhận doanh thu dưới giá vốn.
Phải đến quý 4/2020, khi dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt, các đường bay nội địa được mở lại hoàn toàn, cũng đồng thời là quý cuối năm lượng hành khách tăng cao mà Vietnam Airlines và Vietjet Air mới có lãi trở lại.
Tuy nhiên, sang năm 2021, dịch bệnh bùng phát thậm chí còn lớn hơn so với năm 2020 đã khiến cả hai hãng hàng không thua lỗ nặng nề.
Vietnam Airlines nhiều công ty con hơn
Một trong những điểm khác biệt giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air nằm ở các công ty con. Là hãng hàng không quốc gia, cấu trúc của Vietnam Airlines đồ sộ hơn rất nhiều so với Vietjet Air. Tại ngày 31/12/2020, Vietnam Airlines có gần 20.000 nhân viên, 30 đơn vị trực thuộc trong đó bao gồm các chi nhánh tại khắp nơi trên thế giới, 15 công ty con và 5 công ty liên kết.
Các công ty con của Vietnam Airlines là các công ty hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ hàng không, như sửa chữa bảo dưỡng máy bay, kinh doanh nhiên liệu, phục vụ hàng hóa, cung cấp suất ăn, đào tạo phi công, vận tải hàng không, dịch vụ đặt giữ chỗ tự động, dịch vụ mặt đất... Do đều là các công ty trong lĩnh vực hàng không, nên khi thị trường hàng không gần như đóng băng suốt một năm rưỡi qua, các công ty con này cũng chịu ảnh hưởng không khác gì công ty mẹ khi nguồn thu không có nhưng các chi phí vẫn phải trả đều đặn.
Ví dụ tiêu biểu nhất là Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài. Trước kia, công ty này đều đặn báo lãi hàng năm và trả cổ tức thường xuyên trên 20%/năm. Tuy nhiên, 5 quý gần nhất, công ty này đều thua lỗ và hiện đã lỗ lũy kế 70 tỷ đồng.
Vì vậy, nếu tính riêng công ty mẹ Vietnam Airlines, vốn chủ sở hữu vẫn còn dương hơn 1.500 tỷ đồng, nhưng khi hợp nhất các công ty con, vốn chủ sở hữu Vietnam Airlines âm 2.750 tỷ đồng.
Trong khi đó, cấu trúc của Vietjet Air tinh gọn hơn rất nhiều. Vietjet Air hiện chỉ 5.500 nhân viên, bằng 1/4 Vietnam Airlines.
Vietjet Air sở hữu 8 công ty con, trong đó có tới 5 công ty con hoạt động chính là kinh doanh và cho thuê tàu bay, là hoạt động không bị ảnh hưởng trực tiếp khi các đường bay phải đóng cửa. 3 công ty con còn lại gồm 1 công ty cung cấp dịch vụ thanh toán và 2 công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải hàng hóa. Như vậy, có thể nói các công ty con của Vietjet Air bị tác động ít hơn so với Vietnam Airlines.
Khác biệt lớn từ nguồn thu tài chính
Sự khác biệt lớn nhất giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air nằm ở doanh thu tài chính và lợi nhuận khác. Số liệu của Vietjet Air cho thấy, doanh thu tài chính từ năm 2019 trở về trước chỉ khoảng 100 tỷ đồng mỗi quý. Tuy nhiên, trong các quý gồm quý 2/2020, quý 1/2021 và quý 2/2021, doanh thu tài chính của Vietjet Air lên tới trên mức nghìn tỷ, lần lượt là 1.174 tỷ đồng, 1.395 tỷ đồng và 1.757 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý 2/2020 và quý 4/2020, Vietjet Air còn kiếm được hàng trăm tỷ đồng từ "lợi nhuận khác". Tổng cộng năm 2020, doanh thu tài chính và lợi nhuận khác của Vietjet Air đạt hơn 2.700 tỷ đồng.
Sang 6 tháng đầu năm 2021, con số này là gần 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vietjet Air không công bố chi tiết doanh thu tài chính và lợi nhuận khác đến từ những nguồn nào.
Trong khi đó, tại Vietnam Airlines, doanh thu tài chính và lợi nhuận khác của hãng không có quá nhiều biến động trong thời gian vừa qua. Do đó, khi hoạt động kinh doanh chính gặp khó khăn, Vietnam Airlines lập tức lâm vào cảnh thua lỗ và hiện đã lỗ lũy kế gần 17.800 tỷ đồng.
Mới đây, Vietnam Airlines đã phát hành thành công thêm gần 800 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, nguồn vốn Vietnam Airlines được bổ sung thêm gần 8.000 tỷ đồng và tạm thời thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, với tình hình hàng không vẫn đang đóng băng như hiện tại, chưa thể chắc chắn Vietnam Airlines sẽ duy trì được trạng thái dương vốn chủ sở hữu cho đến hết ngày 31/12/2021.
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9, Vietnam Airlines đã gửi một số kiến nghị và đề xuất hàng loạt ưu đãi đặc biệt. Đáng chú ý, trong đó có kiến nghị được duy trì niêm yết cổ phiếu mã HVN trên sàn chứng khoán, trong trường hợp vốn chủ sở hữu có thể âm.