Báo cáo thị trường lao động do Navigos vừa công bố cho biết, 56,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát tuyển dụng ngay lập tức sau khi quay trở lại hoạt động bình thường. Trong đó, 50% sẽ tuyển nhân viên hoàn toàn mới.
Phòng kinh doanh – bán hàng sẽ được tuyển dụng đầu tiên với gần 29% ý kiến của doanh nghiệp tham gia khảo sát. Tiếp theo là phòng công nghệ thông tin với 21%. Phòng Marketing với 10,5%, chăm sóc khách hàng 8% và tài chính kế toán 5,4%.
Bảng tin cập nhật thị trường lao động của hãng tuyển dụng Adecco cũng đánh giá, tình hình lao động trong quý IV sẽ có nhiều kịch bản diễn ra tùy theo khả năng kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, bất kể tình hình như thế nào, một số lĩnh vực đã, đang, và sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Theo bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Adecco Hà Nội, nổi bật là nhu cầu kỹ sư công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. "Nguyên nhân là việc nhân viên phải làm việc từ xa qua Internet khiến các công ty phải tăng cường nhân sự cho bộ phận quản trị mạng và cơ sở dữ liệu. Thêm vào đó, lưu trữ đám mây đang thúc đẩy quá trình số hóa tại các doanh nghiệp nhanh hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, đại dịch đã làm cho các thành tựu y học đáng chú ý hơn. Nhân tài lĩnh vực kỹ thuật y sinh, hóa học, sinh học và phân tích dữ liệu sẽ tiếp tục được săn đón để nghiên cứu các giải pháp ngăn ngừa, điều trị và kiểm soát bệnh tật.
"Khoa học ứng dụng, công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực sản xuất cũng sẽ được quan tâm và đầu tư hơn để đảm bảo sự giãn cách trong môi trường sản xuất hoặc tại điểm bán hàng", bà nói.
Tại TP HCM, sau khi mở lại một số hoạt động kinh tế từ 1/10, ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó Giám đốc bộ phận Tuyển dụng Adecco TP HCM, dự báo các lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng sẽ cần nhiều nhân sự hơn cho mùa kinh doanh cuối năm. "Trong khi các công ty dịch vụ sẽ tăng dần nhu cầu tuyển dụng do họ đã mất đi một phần lực lượng lao động sau nhiều tháng đóng cửa", ông nói.
Thông tin mới đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) cũng cho biết thành phố cần tuyển dụng khoảng 44.000-57.000 lao động trong quý IV.
Nhu cầu sẽ tập trung ở các ngành như kinh doanh - thương mại cần khoảng 13.000 chỗ làm việc; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ (tuyển 6.500 chỗ); công nghệ thông tin (tuyển 4.300 chỗ); cơ khí - tự động hóa (tuyển 2.800 chỗ); vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng cần khoảng 2.700 chỗ.
Khảo sát của Cục Thống kê TP HCM riêng với khối doanh nghiệp sản xuất, chế biến - chế tạo, cho biết 53% số doanh nghiệp được hỏi dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên trong quý IV, tỷ lệ này khởi sắc hơn quý III. Tín hiệu tích cực phần nào nhờ vào việc 50,6% cho hay số lượng đơn hàng mới quý này tăng hoặc giữ nguyên; và 50,4% nói khối lượng sản xuất sẽ tăng và giữa nguyên.
Trên bình diện cả nước, 73,7% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất quý IV/2021 sẽ ổn định và tốt hơn, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể gặp trở ngại khi tuyển dụng số lượng lớn. Trong đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhiều người lao động đã rời các khu công nghiệp về quê, và chưa hoặc sẽ không quay trở lại. Điều này xảy ra trong các ngành công nghiệp sử dụng lượng lao động lớn như may mặc, dệt may, da giày và đồ gỗ", nhóm chuyên gia Adecco nhận định.
Thực tế cũng cho thấy, những ngày đầu tháng 1/10, đã có xu hướng các lao động ngoại tỉnh rời các trung tâm sản xuất của Đông Nam Bộ như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương để quay về quê nhà. Đây có thể là một thách thức cho quá trình hoạt động lại của các doanh nghiệp trong bối cảnh "bình thường mới".
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP HCM, xu hướng muốn trở về quê nhà của một số lao động đã có từ lúc cao điểm dịch, kéo dài đến hiện tại. Tuy nhiên, cũng cần bình tĩnh đánh giá dòng người rời đi gồm những ai. Chuyên gia này dự đoán có thể là lao động tự do chiếm tỷ lệ lớn hơn lao động hợp đồng trong các doanh nghiệp.
Vị chuyên gia ước tính, khi dịch bệnh bùng phát, lao động trong doanh nghiệp của TP HCM nghỉ việc có thể tầm khoảng 30%. Nhiều khả năng, vẫn có một lực lượng lao động đang kẹt ở quê nhà muốn quay lại thành phố làm việc nhưng còn e ngại vì chưa tiếp cận được vaccine.
"Do đó, sắp tới thành phố nên có chính sách ưu tiên vaccine cho lao động đã làm việc tại thành phố trước đây để họ có thể quay lại. Đó cũng là bước hỗ trợ cho doanh nghiêp trở lại cho doanh nghiệp khôi phục công suất", GS Hoài nói.