Anh Hùng Võ là một trong 50 marketer có tầm ảnh hưởng nhất tại khu vực châu Á do Campaign Asia lựa chọn năm 2021. Anh hiện là Phó tổng giám đốc phụ trách marketing của thương hiệu Biti’s, đồng thời là người sáng lập và giám đốc điều hành của Dentsu Redder - công ty quảng cáo đạt nhiều giải thưởng sáng tạo. Là người đa năng trong những công việc sáng tạo, đồng thời là thành viên ban sáng lập của nhiều dự án về giáo dục, anh Hùng Võ có những chia sẻ hướng tới mục tiêu đưa sáng tạo trở thành yếu tố cốt lõi trong mọi hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng cho trẻ em Việt Nam.
- Có sự liên quan nào giữa hai lĩnh vực marketing và giáo dục, thưa anh?
- Thật ra tất cả công việc của tôi đều xoay quanh trọng tâm là đi từ tìm hiểu đến thấu hiểu và phát triển con người. Marketing là một ngành thú vị, kết hợp giữa khoa học của số liệu, khoa học về tâm lý đám đông, về hành vi con người, về cách thế giới hiện tại vận hành xung quanh các trục giá trị của thời đại với thế giới nghệ thuật và vẻ đẹp của thẩm mỹ, sáng tạo và cảm xúc... Marketing không nghiêng hẳn về sáng tạo hay nghệ thuật mà là sự kết hợp của hai mảng này với nhau.
Giáo dục cũng vậy, là kết hợp giữa khoa học về thế giới, con người, cảm xúc, lịch sử... với sự thấu hiểu, sáng tạo và ứng dụng riêng cho từng đứa trẻ qua từng thời kỳ để khai phóng tối đa tiềm năng của mỗi người từ các chỉ số IQ, EQ, AQ (adversity quote - chỉ số thích ứng) và CQ (creative quote - chỉ số sáng tạo) để hình thành cách đối mặt và xây dựng tương lai, chọn con đường hạnh phúc của bản thân.
Tôi tự thấy mình là marketer (người làm tiếp thị) với tư duy giáo dục. Tôi cũng từng đi dạy ĐH Hoa Sen từ 2008, sáng lập cuộc thi Young Marketers từ 2013, và Future Impact Academy (một sáng kiến giáo dục phi lợi nhuận mang tính khai phóng dành cho cộng đồng tiếp thị, sáng tạo và giáo dục) từ 2020, nên tin là mình vẫn đang tập trung làm đúng một đam mê, chỉ là khai thác những yếu tố khác nhau. Từ 2020, tôi đi sâu vào giáo dục với vai trò thành viên hội đồng sáng lập và điều hành của Embassy Education - hệ sinh thái thúc đẩy xu hướng giáo dục sáng tạo tại Việt Nam, và là thành viên sáng lập của Young Advisory Board (Hội đồng cố vấn) của ĐH Fulbright.
- Là người làm việc trong lĩnh vực đòi hỏi nhiều tính sáng tạo, theo anh sáng tạo là tố chất bẩm sinh hay có thể hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện?
- Chúng ta nên hiểu sáng tạo ở nghĩa rộng. Sáng tạo là đem góc nhìn riêng của mình vào cùng một thế giới chuyển động, tạo ra giá trị riêng, mới mẻ. Nếu tiếp cận đúng như vậy thì ai cũng có thể sáng tạo được, chỉ cần trang bị kiến thức nền, những kỹ năng cơ bản của cuộc sống, xây dựng bản sắc và niềm tin vào bản thân, và thông qua trải nghiệm của bản thân để phát triển theo cách của riêng mình.
Nếu quay lại thời phổ thông, tôi không tin mình có thể làm sáng tạo và tạo ra một công ty quảng cáo như hiện nay. Trước đó tôi là dân tự nhiên, có học bổng toàn phần ở các trường top 10 ở Mỹ cũng là khối Khoa học. Khi đó, tôi nghĩ não mình thuần tuý là não logic. Nhưng khi học về nghệ thuật, sáng tạo, phát triển cảm xúc, thì tôi nhận thấy có một sự liên quan và hỗ trợ lớn giữa các lĩnh vực này. Hiện tôi vừa tham gia hoạt động giáo dục, vừa là CEO kiêm giám đốc sáng tạo.
Do đó, từ cơ sở khoa học và trải nghiệm bản thân, tôi tin rằng sáng tạo có thể phát triển được qua giáo dục và trải nghiệm. Không nên suy nghĩ những hoạt động sáng tạo chỉ dành cho số ít nghệ sĩ hay không thể phát triển cùng tư duy khoa học.
- Anh chia sẻ cụ thể hơn về mối liên hệ giữa tư duy khoa học và tư duy sáng tạo?
- Tôi tin tư duy khoa học và tư duy sáng tạo vốn không tách biệt, chúng gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy nhau. Một nhà khoa học giỏi sẽ có tinh thần sáng tạo, dám nhìn khác, nghĩ khác, dám đưa ra những giả định táo bạo, dũng cảm để khám phá một sự thật mới. Ngược lại một người làm sáng tạo cũng cần tư duy khoa học, đi sâu vào bản chất, bay bổng nhưng vẫn nắm chắc hiện thực để sáng tạo mà không sáo rỗng. Nhà khoa học cũng cần phát triển cảm xúc, người làm sáng tạo cũng cần tư duy khoa học nghiêm túc để đi đến đỉnh cao.
Trong mọi công việc, tôi luôn xây dựng đội ngũ cộng sự không phải là những chuyên gia cứng nhắc chỉ có thể làm một việc, mà vừa là một chuyên gia, vừa là một người đa nhiệm và đồng thời là một cộng sự giỏi để cùng nhau tạo ra những giá trị lớn hơn. Đơn cử ở Dentsu Redder, một nhân sự Creative có thể rất giỏi về hoạch định, một Planner có thể hình dung và phát triển một kết quả sáng tạo từ hoạch định của mình.
Tôi tin ngành nghề nào cũng sẽ cần những người giỏi thích nghi, có thể không ngừng làm mới bản thân để dám đối mặt với sự thay đổi.
- Theo anh, những phẩm chất nào là tiêu chí hàng đầu mà các doanh nghiệp cần hướng tới cho nguồn nhân sự trẻ trong tương lai?
- Khả năng đa nhiệm, học hỏi nhanh, sáng tạo, luôn khao khát và nỗ lực tạo ra giá trị mới sẽ là những phẩm chất hàng đầu để trở thành một nhân sự giỏi. Đó cũng là lý do tôi tin vào việc thúc đẩy giáo dục sáng tạo tại Việt Nam, thông qua hệ sinh thái của Embassy Education với 17 thương hiệu do anh Thanh Bùi sáng lập. Vì một Việt Nam thật khác trong 20 năm tiếp theo, không gì tốt hơn và quan trọng bằng việc tập trung vào giáo dục sáng tạo từ hôm nay, đặc biệt cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi và 10 tuổi.
- Anh và anh Thanh Bùi đang kết hợp với nhau trong dự án giáo dục sáng tạo Embassy Education, anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Tôi và anh Thanh Bùi là "anh em lớn" của nhau trong mảng giáo dục sáng tạo. Một người là từ nghệ thuật thấy được tầm quan trọng của giáo dục sáng tạo, một người là từ một ngành kinh tế sáng tạo để thấy được liên kết rõ ràng giữa khoa học và sáng tạo.
Anh Thanh đã dành nhiều thời gian xây dựng nên tầm nhìn và nền móng của hệ sinh thái Embassy Education - phần khó khăn nhất. Tôi tập trung kết nối, đào sâu và hoạch định kế hoạch cho tương lai. Hai anh em sẽ cùng kết nối bạn bè của nhau, các hệ sinh thái của nhau để tạo ra những bước đi nhỏ, nhưng chắc chắn để thúc đẩy giáo dục sáng tạo tại Việt Nam.
Tới đây, Hội nghị thường niên trao đổi về tương lai của giáo dục Symphony of The Mind diễn ra trong hai ngày 8, 9 tháng 10 là một trong những hoạt động của Embassy Education. Hội nghị nhận được sự ủng hộ và tham gia của Giáo sư Howard Gardner - cha đẻ của thuyết Đa trí thông minh có ảnh hưởng đến giáo dục trong hàng chục năm qua, Giám đốc cấp cao toàn cầu của dự án Harvard Project Zero, Giáo sư Ngô Bảo Châu; Giáo sư Trần Thanh Vân; Madam Tôn Nữ Thị Ninh và nhiều chuyên gia đa ngành nổi bật khác.
- Là một trong những nhà giáo dục sẽ tham gia chia sẻ tại Hội nghị Symphony of The Mind sắp tới, anh có nhận định gì về tiềm năng phát triển của thế hệ trẻ GenZ hiện nay?
- Tôi nghĩ GenZ là một thế hệ sáng tạo hơn millennials rất nhiều. Các bạn đa năng, đa tài, có cơ hội tiếp cận một thế giới kết nối lớn hơn, chứng kiến sự phát triển của trí thông minh nhân tạo, sự tiến bộ của công nghệ sinh học... Các bạn đang đối diện với thời kỳ đặc biệt trong lịch sử nhân loại - thời kỳ thế giới và con người phải thay đổi để thích ứng.
Các bạn sẽ phải học cách thích nghi, phát triển trí thông minh cảm xúc và chú trọng tới sức khỏe tinh thần của mình. Các bạn cần bớt chạy theo các xu hướng nhất thời, mà tập trung vào tìm hiểu bản thân, xây dựng giá trị riêng, hình dung về bức tranh hiện thực lớn hơn, để làm mới bản thân ngay trong hiện tại, rồi 3 năm, 5 năm, 10 năm tới. Mỗi cột mốc đều sẽ có sự thay đổi lớn. Hãy luôn tích cực học thêm những kỹ năng mới để thích nghi với sự thay đổi sâu sắc và nhanh chóng của cuộc sống mỗi ngày, để sáng tạo và làm mới bản thân.