Honda Motor sẽ thử nghiệm phóng tên lửa dự kiến vào năm 2030, một phần trong kế hoạch tham gia vào lĩnh vực kinh doanh phóng vệ tinh cỡ nhỏ (dưới 1 tấn). Công ty xe hơi Nhật Bản cho biết sẽ áp dụng động cơ đốt trong và các công nghệ ô tô khác cho lĩnh vực mới.
Trong tương lai không xa, không gian được xem là một thị trường tăng trưởng mới, giá trị ước đạt 7,1 tỉ USD vào năm 2025. Mảng kinh doanh phóng vệ tinh đang nóng lên với các công ty khởi nghiệp như SpaceX của CEO Tesla Elon Musk. Falcon 9 hạng trung của hãng này có thể phóng nhiều vệ tinh nhỏ cùng một lúc.
Những vụ phóng thường có chi phí lên tới 5 tỷ yên (44,6 triệu USD) với tên lửa sử dụng một lần. Honda cho biết họ sẽ giảm một nửa chi phí phóng vệ tinh cỡ nhỏ bằng công nghệ tự hành.
Nhà sản xuất ô tô sẽ tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của mình lên mức kỷ lục 5.000 tỷ yên (44,6 tỷ USD) trong sáu năm tới, với tham vọng mảng kinh doanh tên lửa thành một trụ cột ngang hàng với mảng kinh doanh xe điện.
Ngoài việc áp dụng công nghệ tự hành để điều khiển bay và dẫn đường cho các tên lửa, công ty cũng sẽ áp dụng công nghệ đốt được phát triển cho động cơ xăng, nhưng sẽ có tinh chỉnh trước khi đưa vào thương mại. Honda cũng đã thành lập một nhóm chuyên trách để giám sát hoạt động kinh doanh phóng vệ tinh từ năm 2019.
Tên lửa sẽ mang theo vệ tinh nhỏ dùng để liên lạc và quan sát mặt đất lên quỹ đạo ở độ cao từ 500 km đến 2.000 km. Các vệ tinh này được kỳ vọng sẽ thực hiện một số nhiệm vụ mới mới như đo nồng độ khí nhà kính và thu thập dữ liệu vị trí cho ô tô tự lái.
Kinh nghiệm của Honda về động cơ đốt trong và tinh giảm trọng lượng ô tô tạo lợi thế trong việc phát triển tên lửa nhiên liệu lỏng, giúp giảm giá thành sản phẩm.
Khi ngành công nghiệp ô tô tập trung sang xe điện, tỷ suất lợi nhuận dự kiến sẽ thu hẹp do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các hãng xe, đặc biệt là nhiều hãng mới gia nhập thị trường đã đánh ngay vào phân khúc này. Honda phải đa dạng hóa sang các lĩnh vực mới bằng cách tận dụng các công nghệ từng có cho động cơ ô tô.
Ngoài ra, Honda cũng đã công bố dự án đầy tham vọng với ô tô bay cất hạ cánh thẳng đứng, chạy bằng điện (eVTOL). Việc sử dụng hệ thống động lực hybrid dự kiến sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của những chiếc ô tô bay như vậy lên 400 km. Ban đầu, công ty sẽ đặt mục tiêu thương mại hóa phương tiện này ở các thành phố ở Bắc Mỹ vào những năm 2030.